Chuyển đến nội dung chính

Xác ai trong bệnh viện

Truyện Ma 12H Hạnh nhoài người tới định ôm lấy anh, nhưng tay cô vừa chụp vào người Phong thì có cảm giác như chụp vào không khí!


Xac ai trong benh vien



Dù qua sáu năm học ngành y, đã nhiều lần Hạnh vào bệnh viện để thực tập, cũng có trực ca, nhưng chưa bao giờ cô ngủ lại một mình trong một ca trực đêm như lần này. Lúc chiều khi nhìn vào bảng trực cấp cứu, Hạnh đã lè lưỡi với người bạn cùng trực:

- Sao lại cho hai cô bác sĩ tập sự trực cùng ca, lại không có đàn ông, sợ thấy mồ!
Thúy Lan, người bạn cùng khóa cười nhạo:

- Nhát cáy như cậu đúng ra chỉ nên học ngành sư phạm thôi!

Hạnh kề tai bạn nói khẽ:

- Mình nghe mấy anh khóa trước nói bệnh viện này có nhiều ma lắm!

Thúy Lan được dịp dọa luôn:

- Không chỉ ma mà còn có cả quỷ nữa! Mấy con quỷ nhe nanh, lè lưỡi dài cả tấc luôn.

Hạnh tưởng bạn nói thật, cô nhảy ngồi xổm trên ghế, miệng la bải bải:

- Nói nữa tôi về liền bây giờ!

Biết Hạnh sợ thật, Thúy Lan cười ngất:

- Dọa cậu chơi chớ ma quỷ nào ở đây! Làm bác sĩ là nghề thức với ma, ngủ với quỷ mà, sợ thì làm sao hành nghề được. Tối nay là ca trực đầu tiên, lại trực phòng cấp cứu nữa, nhiều khả năng mình với cậu sẽ phải cưa vài cánh tay, đục vài cẳng chân, khoan vài sọ não. Cậu biết rồi chứ gì, mấy người hôn mê do chấn thương sọ não thì khác gì cái xác ma! Nghe nói nhiều khi đang mổ cho họ thì họ đưa tay chụp lấy mình, bàn tay lạnh ngắt.

Biết bạn trêu mình, Hạnh phát vào mông Lan mấy cái:

- Lát nữa nếu có người nào bị cưa tay thì mình bỏ cánh tay cắt ra đó vào giỏ xách của cậu!

Hai người đang trêu đùa nhau thì bác sĩ trưởng ca trực bước vào phòng. Chị cũng góp phần làm không khí đỡ buồn tẻ:

- Ngày xưa khi chị mới ra trường được phân công về bệnh viện, cũng gặp ca trực phòng cấp cứu như thế này, mấy em biết chị gặp cái gì không?

Hạnh nhát, nhưng lại là người thích nghe kể chuyện rùng rợn, cô vểnh tai chờ bác sĩ Tuyền kể chuyện.

- Ngay ca trực đầu, chị đã gặp một người... không có mặt!

Hạnh kinh ngạc:

- Sao lại không có mặt?

- Bởi một tai nạn khủng khiếp, nạn nhân bị ngã vào một cỗ máy nổ đang quay, cái bánh răng cưa khổng lồ cà nát mặt người ấy, đến nỗi khi được chở vào bệnh viện cấp cứu thì chẳng thể nào nhận diện là anh ta, chị vốn sợ máu, gặp cảnh đó nên đã... xỉu tại chỗ!

Thúy Lan phá lên cười:

- Bác sĩ cấp cứu mà lăn đùng ra như vậy thì còn cứu chữa được ai nữa!

Bác sĩ Tuyền cũng cười vui:

- Đó là kỷ niệm nhớ đời của chị. Mà cũng nhờ lần đó mà những lần sau và cho tới bây giờ chị hết sợ máu, và hiện nay nổi tiếng là người mổ nhanh và chuyên trị những ca phẫu thuật rắc rối nhất ở bệnh viện này, mấy đứa tin không?

Hạnh gật đầu:

- Lúc còn thực tập thời sinh viên, em đã từng nghe người ta ca chết lên mây xanh luôn! Lúc chưa biết mặt chị, em cứ tưởng chị là một nữ bác sĩ có tướng đàn ông, da đen giòn và bộ mặt lạnh lùng, gan dạ. Nào ngờ khi biết rồi mới thấy là trái ngược một trăm tám chục độ!

Câu chuyện của họ bị cắt ngang bởi một chiếc xe cấp cứu thắng nhanh ngay trước cửa phòng trực. Mấy nhân viên nhanh nhẹn nhảy xuống xe và chỉ trong vòng nửa phút, họ đã khiêng xuống một bệnh nhân mình mẩy đầy máu.

Đã thành quán tính, bác sĩ Tuyền chụp ống nghe đeo lên cổ và trong tư thế sẵn sàng vào cuộc. Thúy Lan nhanh hơn bạn, cô bước ra chỗ xe đẩy bệnh nhân, hỏi ngay:

- Bị sao vậy?

Mấy y tá áp tải chỉ vào bệnh nhân:

- Anh ta bị kẹt giữa hai chiếc xe tải loại bốn chục tấn. Hai người khác đã chết, riêng anh ta thì hình như tim còn đập, nhưng sự sống thì như chỉ mành treo chuông!

Thúy Lan không dám nhìn vào bộ mặt gần như nát bét kia, mà chỉ hỏi bâng quơ:

- Bao lâu rồi!

- Cái gì bao lâu?

- Người này bị tai nạn bao lâu rồi.

- Gần một giờ, do kẹt giữa hai chiếc xe quá lớn nên phải chờ cần cẩu kéo ra mới đưa anh ta đi được.

Việc cấp cứu diễn ra suôn sẻ, nhưng nửa giờ sau bệnh nhân vẫn chưa tỉnh. Với kinh nghiệm gần hai mươi năm trong nghề, sau khi đo huyết áp, nghe mạch, trong lúc chờ chụp cắt lớp thì bác sĩ Tuyền gọi hai cô trợ lý của mình lại gần, nói khẽ:

- Người này khó mà qua khỏi. Tuy nhiên còn nước còn tát, cứ phải cố gắng tối đa.

Hạnh chưa quen nhìn máu tuôn xối xả và cả một đống thịt bầy nhầy, nên cố lắm cô mới đứng được. Là bác sĩ tập sự mà trong việc cấp cứu cô còn thua xa mấy cô y tá quèn, bởi vừa làm mà vừa sợ, tay cứ run. Cũng may, khi kết thúc công việc, bác sĩ Tuyền thở phào báo tin vui:

- Có hy vọng!

Người bệnh vẫn thở bằng bình dưỡng khí, tuy nhiên mạch hiện trên bảng theo dõi đã có phần đều hơn. Toàn thân anh ta hầu như không chỗ nào là không quấn băng, đặc biệt là khuôn mặt, không thể gọi đó là mặt bởi cả mấy thước băng đã được quấn vào đó, chỉ chừa ra hai hốc mắt và miệng, mũi.

Trước khi về phòng nghỉ, lúc đó đã hơn hai giờ sáng, bác sĩ Tuyền dặn lại:

- Bác sĩ Dung, Lan và hai y tá cố gắng theo dõi sát tình hình bệnh nhân, tôi về phòng mấy phút sẽ trở lại ngay.

Thúy Lan nói:

- Chị có thể ngủ một giấc, xem ra chị mệt lắm rồi, để tụi em canh, khi nào có chuyện sẽ gọi chị dậy cũng được.

Dung bây giờ mới bình tĩnh hơn:

- Toán trực của bác sĩ Duy cũng sắp tới rồi, chị không phải lo nữa.

Y tá Cúc là người lâu năm trong nghề, cũng muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, nên lên tiếng:

- Ca này mà ăn nhằm gì, có những ca khác tôi cũng chiến đấu cả đêm với bác sĩ Tuyền mà vẫn không nghỉ chút nào nữa là.

Hiểu ý chị ta nên Thúy Lan nheo mắt nhìn Hạnh rồi nói:

- Kinh nghiệm như chị Cúc thì mới đủ sức mà lo tới cùng vụ này. Lát nữa khi chuyển bệnh nhân qua phòng hậu phẫu để tiếp tục theo dõi, chị Cúc nên đi theo, bởi chị quen công việc với bệnh nhân nặng hơn trong số tụi tôi đây.

Vừa nghe thì chị y tá này giãy nảy lên:

- Sao lại là tôi, con nhỏ Nga này là đúng hơn!

Nga, cô y tá trẻ hơn trề môi:

- Chị quên là tối qua đã phân công rồi sao, tôi đã chịu trận vụ cưa hai chân của thằng đua xe, thức hầu như suốt đêm, thì bữa nay là tới phiên chị.

Đuối lý y tá Cúc đành phải nghe theo. Bởi tuy là người lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn, nhưng dẫu sao chị ta cũng chỉ là y tá, bác sĩ dù là trợ lý cũng có quyền phân công.

Thấy chị ta có vẻ uể oải, nên nhân cơ hội muốn tránh phải chứng kiến thêm cảnh máu me, Hạnh đề nghị:

- Hay là để mình theo dõi bệnh nhân cho, chị Cúc cần cho bên phòng phẫu này hơn. Mình muốn tranh thủ ngồi nghỉ chân một lát.

Thúy Lan hiểu ý bạn nên nhẹ gật đầu, còn y tá Cúc thì khoái chí lắm:

- Trực chung với bác sĩ Hồng Hạnh em chịu quá! Được rồi, bác sĩ cứ qua đó rồi khi nào rảnh việc tôi chạy qua. Có thứ này tặng bác sĩ ăn cho vui!

Chị ta đưa một gói nhỏ ô mai me, Hạnh khoái nhưng lại nói:

- Giờ này mà ăn chua vào nó cào ruột chết!

Cúc tỏ ra rành chuyện:

- Vậy là bác sĩ Hạnh chưa kinh nghiệm rồi, lúc mệt mỏi, buồn ngủ mà ngậm vài cục ô mai trong miệng tức khắc chấm dứt các hiện tượng kia ngay! Chất chua tuy có làm khó cái bao tử một chút, nhưng lại là thứ chống mệt, chống buồn ngủ đại tài!

Hạnh miễn cưỡng cầm gói kẹo theo y tá Nga đẩy bệnh nhân vừa phẫu thuật xong sang phòng hậu phẫu. Có mấy bệnh nhân vừa rời khỏi phòng hậu phẫu chuyển đi các khoa hồi chiều, nên giờ này phòng đang bỏ trống. Gian phòng rộng có đến hơn chục chiếc giường bệnh mà không có bệnh nhân, quả là vắng vẻ im lặng lạ thường.

Y tá Nga đẩy xe bệnh vào vị trí, xem xét lại bình dịch truyền và gắn lại dây theo dõi tim mạch cho bệnh nhân xong, nói liền:

- Bác sĩ Hạnh cứ ngồi đây một lát, em sẽ sang ngay. Em khoái tính tình hiền lành, ít nói của bác sĩ, chớ bà Cúc thì nói nhiều quá, phát nhức đầu với bả!

Cô ta lại dúi vào tay Hạnh một gói bánh ngọt:

- Bác sĩ đừng nghe lời bà Cúc, ăn chua cũng phải có chút ngọt vào thì cái bao tử nó mới chịu nỗi! Đêm nào em cũng ăn như vậy!

Nhìn tướng đi phục phịch của cô ta và khuôn mặt bầu bĩnh, Hạnh thầm nghĩ: "ăn ngọt suốt như vậy bảo sao không mập!".

Đồng hồ trên tường chỉ hai giờ ba mươi phút. Hạnh lần đầu tiên biết được cái cảm giác thức đêm bên cạnh cái sống và chết của con người. Nhìn lại người bệnh mà lúc bắt đầu phẫu thuật, Hạnh có biết đó là một bệnh nhân nam, mà lúc này thì không thể nhận ra anh ta là ai. Bởi vậy, bác sĩ Tuyền nói lúc chiều là nghề bác sĩ là nghề sống với ma, gần với quỷ, đâu có sai.

Bất chợt bệnh nhân ườn người lên, khiến cho chiếc giường bệnh bị lắc lư, Hạnh hốt hoảng, cổ vừa chạy lại gần, nhưng chưa biết phải làm sao. Việc non kinh nghiệm trong nghề nó tai hại vậy đó.

- Ai... có ai...

Cô định kêu lên, nhưng chợt nghĩ, nếu kêu như vậy thì còn gì vị thế một bác sĩ. Không kịp suy nghĩ thêm, Hạnh hành động theo bản năng, cô đưa tay mình chụp vào bàn tay vấy đầy máu khô của bệnh nhân. Làm việc này Hạnh chỉ nghĩ đơn giản là giữ cho bệnh nhân bớt cử động. Thật ra đó là một phương pháp sai trong ngành y. Nhưng chẳng hiểu thế nào, người bệnh không ưỡn người nữa.

Hạnh định rút tay về thì mới hay bàn tay nhỏ xíu của mình đã bị bàn tay to lớn kia nắm chặt đến nỗi có muốn nhúc nhích cũng không được, nói gì rút ra!

- Ông... anh...

Chợt nghĩ giờ mà có nói gì anh ta cũng không nghe, biết, nên Hạnh cố thêm sức để rút tay ra. Cũng không xong...

- Chuyện gì vậy em?

Câu hỏi đột ngột của bác sĩ Tuyền đã giúp giải thoát cho Hạnh. Bàn tay đang nắm tay cô bỗng rơi ra, Hạnh rút được tay về, lúng túng đáp:

- D ạ... dạ... mạch bệnh nhân không ổn định. Bệnh nhân...

Bác sĩ Tuyền nhìn vào bảng điện tử thì hốt hoảng:

- Mạch giảm thấp quá! Lâu chưa em?

- Dạ mới.

Chợt bác sĩ Tuyền nhìn vào tay của bệnh nhân và hỏi:

- Sao tay của anh ta có cái gì vậy?

Lúc này Hạnh mới cùng nhìn vào đó và cô giật thót tim, bởi trong tay anh ta đang có chiếc nhẫn của... chính cô! Chiếc nhẫn bằng bạch kim mà Phong, người yêu đã chia tay của Hạnh tặng từ mấy năm trước, cho đến giờ dù hai người đã chia tay nhưng Hạnh vẫn giữ, đeo trong tay không bao giờ rời. Vậy tại sao lại ở trong tay người này Hạnh nhớ lại, có lẽ lúc nãy khi nắm tay mình quá chặt, khi rút ra chiếc nhẫn đã vuột ở lại.

Trên chiếc nhẫn có khắc tên Hồng Hạnh, nên cô vờ như không biết cũng không được, nên Hạnh đành phải nói:

- Lúc nãy sợ người này co giật nên em có nắm tay giữ lại, có lẽ vì thế...

Bác sĩ Tuyền cười nhẹ:

- Không sao, em lấy lại và giữ nó trong túi, hình như nhẫn bị lỏng đó.

Lấy lại chiếc nhẫn, thay vì cất trong túi như lời khuyên, Hạnh lại đeo như cũ. Cô vừa định trở lại ghế ngồi thì nghe bác sĩ Tuyền gọi:

- Hạnh, em nhìn xem, có phải mạch ngừng rồi không?

Vừa hỏi, Tuyền quay ra ngoài gọi lớn:

- Báo bác sĩ Duy và ê kíp trực tới đây ngay!

Kíp trực và nhóm bác sĩ phòng phẫu thuật chạy ngay tới, họ đều trố mắt nhìn bệnh nhân ưỡn người lên liên tục và hai tay thì cử động không ngớt, trong khi bảng theo dõi mạch thì hoàn toàn không có tín hiệu!

Mấy bác sĩ mới tới tăng cường nhắc:

- Xem lại coi dây dẫn cũng như hoạt động của máy có vấn đề gì không?

Đích thân bác sĩ Tuyền kiểm tra lại và báo:

- Vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn liên tục có những biểu hiện bất thường đó. Một y tá nói khẽ nhưng vài người nghe được:

- Biểu đồ mạch không còn thì làm sao người nẩy ngược thế kia được. Còn hai cánh tay nữa, coi kìa, cứ đưa lên quơ và cả nắm lại nữa, đây đâu phải người đã ngừng thở?

Nhưng chỉ mười phút sau thì một bác sĩ đã báo:

- Phương pháp kích động tim không thực hiện được do lồng ngực bệnh nhân vốn đã bị chấn thương nặng, chạm mạnh vào là sẽ tái gãy mấy nhánh xương ở đó, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim. Vậy chỉ còn cách cuối cùng là tiêm thuốc thợ tim, may ra...

Người ta tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân một liều trợ tim, có tác dụng giúp tim hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thuốc tiêm rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự hồi phục. Hai phút... ba phút...

Cuối cùng, sau khi cả ba bác sĩ chịu trách nhiệm chính ca trực đều khám lại và kết luận giống nhau:

- Chết rồi!

Lúc ấy, bác sĩ Tuyền trưởng ca trực ký vào biên bản rồi bảo Hạnh:

- Bác sĩ Hạnh cũng ký vào đây nữa, bởi thuộc ca trực chính của cô.

Hạnh ký mà không hiểu sao tay lại run, gần như không cầm vững cây bút. Năm giờ. Bàn giao phiên trực xong, gặp Thúy Lan ngoài phòng, cô nàng rủ:

- Đi ăn tô phở nóng đi, rồi ngủ một giấc.

Hạnh nhẹ lắc đầu:

- Mình hơi mệt, có lẽ mình về nghỉ trước đây.

Dẫn xe ra rồi mà chẳng biết tâm thần để đâu, Hạnh đề đến lần thứ ba xe mới nổ máy. Khi chạy ra cổng rồi Hạnh vẫn chưa biết mình chạy về hướng nào. Mặc dù nhà Hạnh là rẽ hướng trái.

Chạy khoảng vài trăm mét Hạnh mới nhớ ra vừa rồi mình đã rẽ tay phải! Cô định quay xe lại, nhưng rồi vẫn cứ chạy. Có lẽ như thế này sẽ tốt hơn, bởi sau một ca trực với nhiều điều căng thẳng, giờ đây Hạnh cần được hưởng không khí trong lành, thoáng mát một chút, hơn là về để phải nghe các loại âm nhạc đinh tai, bởi nhà Hạnh có kinh doanh cà phê, do người anh đứng bán.

Nhưng chạy đi đâu mới được, Hạnh còn đang phân vân thì xe trờ qua khỏi một con hẻm quen thuộc. Con hẻm này cách đây mấy năm thì hầu như tuần nào Hạnh cũng ghé vài ba lần. Bởi đó là nhà của Phong, người cô yêu.

Từ ngày hai người chia tay, hầu như Hạnh chưa ghé lại, mặc dù đôi lần cô đã ngừng xe ở đầu hẻm khá lâu, rồi lặng lẽ bỏ đi...

Cũng chẳng hiểu sao, lần này trong lúc phân vân thì Hạnh lại quẹo xe vào hẻm và như một quán tính, cô dừng đúng ngay cửa nhà Phong!

Lỡ rồi, có muốn không vào cũng không được, bởi vừa lúc đó cô đã nghe tiếng reo lên của đứa cháu Phong:

- Cô Hạnh tới bà ngoại ơi!

Hai đứa bé khoảng tám, chín tuổi cùng chạy ra và chụp lấy xe Hạnh, mừng rỡ:

- Lâu lắm rồi cô Hạnh không ghé, bà ngoại nhắc hoài!

Hạnh bước xuống xe thì đã nghe tiếng mẹ Phong từ trong đi ra:

- Dữ hôn, tới bây giờ công chúa của má mới ghé.

Ngày trước bà vẫn gọi Hạnh như vậy, bây giờ bà vẫn không thay đổi cách gọi khiến Hạnh xúc động:

- Dạ, con chào bác, con xin lỗi vì lâu nay con quá bận, phải lo thi tốt nghiệp, rồi lo tìm nhiệm sở...

Người chị của Phong, tức mẹ hai đứa bé cũng chạy ra reo lên:

- Bữa nay gió lành đó, nên cô Hạnh tụi con mới đáp vào nhà mình! Mẹ sẽ khao cô Hạnh một bữa mới được!

Bà Lựu, mẹ của Phong rất thương Hạnh, bà nắm tay cô dâu hụt của mình kéo vào nhà:

- Vào đây để má coi, lâu nay lo học hành thành cô bác sĩ mà có mập ốm đi ký nào không?

Thấy đôi mắt Hạnh trũng sâu, bà lo lắng:

- Bộ làm bác sĩ cực lắm sao, trông con gầy rạc đi, mặt không tươi như ngày xưa nữa!

Chị Hoa, chị của Phong nói đùa:

- Không được làm dâu má thì làm sao mập được!

Bất chợt bà Lựu òa lên khóc! Bà khóc như chưa bao giờ được khóc, vừa ôm chặt lấy Hạnh, khiến cho cô vừa ngạc nhiên vừa ái ngại...

Rồi chị Hoa cũng khóc. Hạnh linh tính điều chẳng lành gì đó, cô hỏi nhanh:

- Có chuyện gì vậy bác? Chị Hoa...

Hoa bình tĩnh hơn, trả lời trong nước mắt:

- Thằng Phong... chết rồi!

- Trời ơi!

Tiếng kêu thất thanh của Hạnh cũng vừa lúc cô nhìn lên bàn thờ có ảnh của Phong trên đó!

- Trời ơi! Sao... sao Phong chết?

Một trong hai đứa bé trả lời thay:

- Cậu Phong bị xe đụng chết!

Trước mắt Hạnh bầu trời như đang đảo lộn, thời tiết đang nóng mà cô cảm giác mình đang lạnh và run lên nhè nhẹ...

Rồi chỉ kịp quay sang ôm lấy bà Lựu, chưa kịp nói gì thì nước mắt trào ra, Hạnh cũng khóc theo họ!

Hai đứa bé ngơ ngác nhìn rồi cuối cùng chúng cũng òa khóc theo! Đến khi Hạnh ngẩng lên, cô gặp ánh mắt của người mẹ nhìn mình, trong đó ẩn chứa chút gì đó tiếc nuối, đau khổ...

Hạnh ngập ngừng hỏi:

- Chuyện xảy ra lâu chưa bác?

- Hơn một tháng rồi.

- Sao không cho con hay?

Chị Hoa nhẹ thở dài:

- Lúc bị tai nạn Phong chưa chết, má và chị còn kịp ra Nha Trang vào bệnh viện thăm nó. Trong lúc hấp hối, nó còn dặn đừng báo cho em hay.

Bà Lựu lấy lại bình tĩnh, kể thêm nhiều chi tiết:

- Chuyện thằng Phong chia tay con mãi sau này má mới biết. Má hạch hỏi nó, mới vỡ lẽ chuyện nó bị đứa con gái bán bar mà nó quen trong thời còn đi chơi bời với tụi bạn xấu, làm áp lực buộc nó phải nhận đứa con rơi. Chính vì chuyện đó nên nó xấu hổ với con, tìm cách xa lánh con, dẫn đến chuyện con giận rồi chia tay luôn. Về sau này, đích thân má đi tìm hiểu thì khám phá ra chuyện đứa con rơi là con quỷ kia dựng ra để gài thằng Phong, chớ thật ra đứa con ấy là của con đó với thằng khác!

Chị Hoa kể rõ hơn về cái chết của Phong:

- Nó buồn sau vụ chia tay với em nên bỏ việc ở đây, đi ra tận miền Trung, làm cho một công ty khai thác khoáng sản. Hôm đó vào đầu tháng, nhân mới lãnh lương và tiền thưởng, nó điện về nói là sẽ đem tiền về cho má chị đi mổ tim. Nó đi xe đò và bị một chiếc xe khác chạy ngược chiều đâm vào, trên xe chỉ có mình nó chết, còn lại gần chục người bị thương!

Hoa nói tới đó thì đứng lên và nói với Hạnh:

- Để chị lấy cái này cho em.

Lát sau, chị mang ra một tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá cẩm thạch, bảo:

- Cái này nằm trong túi xách của Phong nên không bị sứt mẻ gì, chị thấy bên dưới đế pho tượng có ghi mấy chữ mà chị không hiểu nó dành tặng cho ai, nên vẫn giữ ở đây cho tới giờ.

Hạnh vừa lật ngược pho tượng, nhìn vào dòng chữ: "Cho Gấu trúc hiền lành, xin tạ tội và mong được tha thứ..." thì thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi, Phong ơi!

- Gấu trúc là ai vậy em?

Hạnh đáp qua nước mắt:

- Là em! Đây là lời xin lỗi mà nếu tới kịp thì em đã tha thứ cho ảnh rồi. Em yêu Phong mà...

Hạnh bệnh và được nghỉ đến bốn ngày. Khi trở lại bệnh viện, cô nghe một tin gây sững sờ:

- Anh chàng bệnh nhân đêm cậu trực tưởng đã chết, làm thủ tục để chuyển xuống nhà xác, sau khi nằm nhà xác một đêm thì bỗng anh ta sống lại.

Người báo tin đó là Thúy Lan. Cô này còn nói thêm:

- Mình định báo cho cậu hay, nhưng do hôm sau cậu nghỉ bệnh nên mình thôi. Các bác sĩ chịu trách nhiệm chính đêm đó đều bị phê bình, về tội bất cẩn, suýt làm chết oan một con người!

Tin ấy tự dưng làm cho Hạnh bàng hoàng một cách kỳ lạ. Cũng không biết tại sao như vậy. Suốt buổi sáng đó hễ làm việc thì thôi, lúc nào ngơi tay thì Hạnh lại nghĩ về anh chàng bệnh nhân. Có lúc cô tự nói:

- Hai thời điểm cách quá xa, chớ nếu không...

Ai có nghe chắc cũng chẳng thể nào hiểu được Hạnh nói gì...

Buổi trưa thay vì ở lại ăn cơm chung với Thúy Lan, Hạnh lại kiếm cớ để đi ra ngoài. Cô đi thẳng lên lầu 5, là nơi mà lúc nãy cô hỏi thăm và được biết anh chàng bệnh nhân chết đi sống lại nằm ở khoa này.

Vừa bước vào phòng bệnh, tưởng Hạnh là thân nhân của anh ta, người nuôi bệnh giường bên cạnh nói liền:

- Anh này chưa tỉnh hẳn, nhưng mỗi lần tỉnh lại là kêu tên người nào đó tên là Hồng Hạnh, cứ gọi liên tục cho đến mê trở lại. Cô có phải là Hồng Hạnh?

Chợt nhìn thấy bảng tên trên ngực áo bác sĩ của Hạnh, bà ta reo lên:

- Đúng là cô rồi! Hèn chi...

Hạnh ngỡ ngàng một lúc, rồi nói khỏa lấp:

- Tôi... là người quen. Thế anh ấy ngủ đã lâu chưa?

- Mới ngủ lại đó. Thường sau khi thức là gọi mãi tên cô thì cậu ấy ngủ lại khá lâu. Tội nghiệp, từ hai ngày nay chuyển lên đây chẳng thấy có ai tới thăm. Có người nhà là bác sĩ trong này mà đâu có ai biết.

Hạnh định ở lại thêm chút nữa gặp các bác sĩ điều trị để hỏi thăm thêm, nhưng sợ họ lại hỏi lôi thôi về mối quan hệ giữa mình với anh ta, nên vội đi nhanh ra. Người cạnh giường hỏi với theo:

- Lát nữa cậu ta có tỉnh lại kêu tên cô thì tôi nói cô có đến thăm, chắc là cậu ấy mừng lắm!

Hạnh đi như chạy trốn. Tự dưng đầu óc cô rối bời, bao nhiêu câu hỏi tự đặt ra rồi không giải được nhưng vẫn đặt ra tiếp... Tại sao anh ta biết tên mình, hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Cô gọi điện thoại về nhà mẹ Phong, hỏi thật kỹ:

- Thưa bác, chính xác anh Phong mất ngày nào?

Bà Lựu đáp liền:

- Ngày mười sáu tháng tư vừa rồi. Bữa nay đúng bốn mươi ngày, thế nào làm tuần bốn mươi chín ngày con cũng phải tới đó!

- Dạ, con tới.

Buông điện thoại xuống, Hạnh như người mất hồn. Tự nhiên cô nhớ lại cái nắm tay hôm ở phòng hậu phẫu và chợt rùng mình. Anh ta là ai? Câu hỏi đó đeo đẳng theo Hạnh suốt ngày hôm đó, cho đến lúc hết ca làm việc. Về nhà, Hạnh chỉ ăn qua loa một ít cơm rồi đi nằm ngủ. Cơn bệnh sau khi nghe tin Phong chết, còn khiến cho cơ thể Hạnh yếu đi nhiều, nay lại tới chuyện này. Đúng là không liên quan gì đến mình thì Hạnh không việc gì phải bận tâm, nhưng chẳng hiểu sao lúc nào trong đầu Hạnh cũng hiển hiện hình ảnh toàn thân, cả mặt mày của bệnh nhân băng đầy băng trắng đó.

Cố xua đuổi hình ảnh đó ra để dỗ giấc ngủ, nhưng mãi đến hơn 11 giờ đêm rồi mà Hạnh vẫn cứ mở mắt nhìn lên trần. Cô lại bật dậy và lấy tượng Phật Bà bằng đá Ngũ hành sơn ra ngắm. Cô nhớ Phong da diết. Ngày trước có lần Phong hỏi Hạnh thích gì nhất, thì Hạnh đã buột miệng bảo thích tượng Phật Bà bằng đá nhất! Hỏi tại sao thì Hạnh chỉ đáp đơn giản:

- Bởi mỗi khi không ngủ được, chỉ cần nhìn vào tượng Phật là em ngủ ngon lành!

Phong đã ghi nhớ điều ấy trong lòng, và dù cho hai người đã chia tay, vậy mà khi ra Đà Nẵng, Phong vẫn nhớ và mua món quà đó cho cô. Kỳ diệu thay, ôm tượng Phật trong lòng, chỉ vài phút sau là Hạnh đã ngủ say.

- Phong! Anh làm sao vậy?

Hạnh hốt hoảng khi nhìn người Phong đầy máu me. Nhưng hỏi đến lần thứ ba mà Phong vẫn không trả lời. Hạnh phải lay mạnh vai thì Phong mới bàng hoàng chợt tỉnh. Anh đau đớn rên lên rồi chới với tay như muốn ôm chầm lấy Hạnh mà không làm được.

- Phong!

Hạnh lại gọi một lần nữa và lần này Phong bỗng òa lên khóc. Từ ngày yêu nhau chưa bao giờ Hạnh thấy Phong khóc như thế. Cũng phải thôi, bởi Phong là người cứng rắn, biết kiềm chế tình cảm, kể cả khi bị cô tuyên bố chia tay, Phong cũng không tỏ ra bị sốc trước mặt Hạnh, mà chỉ chịu đựng khổ đau một mình sau đó... Vậy mà nay anh lại khóc...

Hạnh nhoài người tới định ôm lấy anh, nhưng tay cô vừa chụp vào người Phong thì có cảm giác như chụp vào không khí! Hạnh kinh ngạc:

- Phong... anh sao vậy?

- Anh chết rồi, em không nhớ sao!

- Phong!

- Em đã nghe má và chị Hoa nói rồi đó, anh chết trong tai nạn xe. Khi ấy anh dặn không báo cho em biết, nhưng sau đó thì anh mới hiểu là mình sai. Em vẫn còn nhớ anh mà, vẫn còn yêu anh mà, phải không Hạnh? Vậy tại sao chúng mình không gần được nhau? Tại sao...

- Thì bây giờ...

Phong lắc đầu, giọng càng bi thảm hơn:

- Bây giờ âm dương cách trở em có thương anh thì cũng không làm gì được...

- Phong, em mãi mãi là của anh. Em yêu anh và có thể theo cùng với anh!

- Cám ơn em. Anh không ích kỷ bắt em phải chết theo anh. Em cần sống, phải sống. Anh chỉ muốn...

Hạnh nôn nóng:

- Anh muốn gì, nói đi, Phong!

Phong lưỡng lự một lúc:

- Anh hỏi thật, em yêu tâm hồn anh hay yêu thân xác anh?

Hạnh bị chạm tự ái:

- Anh có biết hỏi như vậy là sỉ nhục em không? Em yêu anh bởi cái gì anh thừa biết mà. Anh đừng...

Phong chặn lời:

- Để nghe anh nói đã. Em có sẵn sàng yêu một người khác qua tâm hồn anh không?

Hồng Hạnh đã không còn nhịn được nữa, cô gắt lên:

- Anh đã thay đổi quá nhiều rồi, anh Phong!

Giọng Phong vẫn trầm buồn:

- Người chết không biết nói dối. Anh chỉ muốn em hiểu cho rằng mãi mãi anh vẫn yêu em và tha thiết muốn sống cùng em, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Em tin anh không, Hạnh?

Nói xong, Phong bước lùi lại như sắp đi. Lúc này Hạnh mới nghĩ tới việc mình sẽ mất Phong lần nữa, cô gào lên:

- Đừng đi, Phong!

Hình như Phong đang lảo đảo, trông rất tội. Hạnh nói nhanh:

- Anh nói gì em cũng nghe, miễn là được gần anh thôi! Anh chỉ còn hồn ma em cũng yêu!

Phong nhìn thẳng vào mắt Hạnh:

- Em hứa chớ?

Hạnh lại gắt lên:

- Anh có tính lẩm cẩm từ lúc nào vậy? Em nói một là một, hai là hai!

- Vậy thì ca trực đêm ngày mai trong bệnh viện, em sẽ gặp anh, và lúc đó để cho em thực hiện lời hứa. Anh đi đây.

Chỉ thoáng một cái là bóng Phong đã mất. Lúc này Hạnh mới hiểu là Phong không còn là Phong bằng xương bằng thịt nữa...

Hạnh choàng tỉnh dậy.

Cô hiểu rằng mình vừa qua một giấc mơ, nhưng giấc mơ đó thật đến nỗi Hạnh cảm nhận như hơi hám của Phong vẫn còn ở đâu đây.

Mối tình truyền kiếp

Phải đến bốn giờ mới tới ca trực, nhưng vừa ba giờ thì Hạnh đã tới bệnh viện. Y tá Cúc ngạc nhiên khi trông thấy cô bác sĩ trẻ, chị ta hỏi liền:

- Tối qua bác sĩ có ác mộng gì không?

Hạnh hơi giật mình, tròn mắt nhìn chị ta:

- Chị Cúc nói...

Cúc mau miệng:

- Tối qua ca trực trong này ai cũng điếng hồn, khi nửa đêm bỗng nghe có ai đó đứng trước phòng cấp cứu kêu tên bác sĩ Hồng Hạnh mấy tiếng luôn! Chính tôi chạy ra coi là ai thì không thấy người nào. Lúc ấy đã gần ba giờ sáng, không có ca cấp cứu nào, nên hành lang trống trơn, con gián chạy còn thấy nữa là...

Chị ta nói xong cứ giương mắt nhìn Hạnh, khiến Hạnh khó chịu:

- Chị nói thế là sao? Ai đó kêu tôi trong khi tôi không có trong này thì việc gì đến tôi?

Tuy nói vậy, nhưng Hạnh lại sợ cô y tá lắm mồm này hỏi lôi thôi thêm, Hạnh bỏ đi thẳng vào phòng thay đồ.

Trong lòng Hạnh hoang mang cực độ, cô tự hỏi: Không lẽ chuyện giấc mơ của mình mà cả bệnh viện đều hay biết?

Gặp Thúy Lan trước cửa phòng riêng của các nữ bác sĩ, cô nàng làm như có chuyện quan trọng lắm:

- Cậu nghe gì chưa? Chuyện ai đó gọi cậu lúc nửa đêm!

Lan là bạn thân, nhưng trong lúc này Hạnh không muốn chia sẻ chuyện nhạy cảm này, nên cô chỉ nói qua loa vài tiếng rồi vào ngay phòng thay đồ. Thúy Lan ở ngoài nói vọng vào:

- Thay đồ xong ra, đi xuống nhà ăn uống ly cà phê, chưa tới giờ làm đâu.

Hạnh vào phòng thay đồ, vừa đóng cửa lại đã thở phào một hơi, như vừa trút được gánh nặng! Nhưng khi vừa chạm tay vào bộ blouse, Hạnh đã giật mình nhìn mảnh giấy nhỏ rơi ra. Một dòng chữ viết tháo:

- Lên lầu năm gặp anh ngay bây giờ!

Dù dòng chữ viết vội, nhưng làm sao Hạnh không nhận ra đó là chữ của Phong! Cô lập cập tự hỏi:

- Phong... Phong... sao lại...?

Chỉ kịp khoác chiếc blouse vào, Hạnh chạy vụt ra, không để ý đến Thúy Lan đang đứng đợi.

- Hạnh! Cậu đi đâu vậy, chưa tới giờ mà?

Đang giờ thăm nuôi bệnh nhân nên người ra vào rất đông. Hạnh phải lách hết tốp này đến tốp khác, chạy theo thang bộ chứ không đợi thang máy lên tới lầu 5.

Vừa bước tới phòng số 50 thì cảnh huyên náo đập vào mắt Hạnh, cô hơi khựng lại, nhưng rồi vì tò mò nên đã vạch đám đông bước vào. Thấy cô là bác sĩ nên mấy người kia nhường đường, Hạnh nghe một người nói:

- Cái cha bệnh nhân chấn thương sọ não này phát điên la lối om sòm suốt từ đêm đến giờ, bỗng mới rồi đã vừa la hét vừa tự tháo bông băng quấn quanh mình, rồi kêu tên ai đó là Hồng Hạnh, vừa kêu vừa khóc như gọi hồn ma vậy!

Hạnh kín đáo đưa tay che bảng tên của mình lại, bước tới gần giường bệnh. Anh chàng đang tháo đến thước băng cuối cùng. Khuôn mặt để lộ ra, tuy da mới kéo lớp bì non, nhưng cũng đã định hình được gương mặt. Bất chợt Hạnh kêu khẽ:

- Đâu phải là Phong!

Người trước mắt chắc chắn không phải là Phong rồi. Hạnh thở phào. Tuy nhiên, khi vừa nhìn thấy Hạnh người đó reo lên:

- Hồng Hạnh!

Các y tá đứng quanh anh ta đều sửng sốt quay lại nhìn Hạnh. Tay cô vẫn che bảng tên mình rất kín. Trong lúc họ chưa kịp hỏi gì, thì anh chàng kia đã lên tiếng lần nữa:

- Anh tìm em suốt đêm qua! Hồi nửa đêm người ta đã hoàn hồn cho anh. Anh đã về với em rồi đây, Hạnh!

Lạ lùng là giọng nói ấy đúng là giọng của Phong! Chỉ có điều... Hạnh khựng lại, trong tư thế nửa muốn bước tới, nửa sắp sửa lùi...

- Đừng bỏ anh, Hạnh!

Anh chàng đưa tay như sắp chụp vào Hạnh, khiến cô phải thụt lùi và chới với bỏ tay che bảng tên ra. Một y tá kêu lên:

- Bác sĩ Hồng Hạnh!

Những người tò mò đứng xem cũng ngơ ngác, có người lên tiếng:

- Thì ra từ hôm đến giờ anh chàng kiếm cô này!

Thấy anh ta muốn bước xuống, còn Hạnh thì cứ thụt lùi, hai cô y tá chụp hai tay giữ anh ta lại:

- Anh hãy ngồi yên, chờ bác sĩ tới đã!

Vừa lúc ấy, hai bác sĩ trưởng, phó ca trực chạy vào. Lợi dụng cơ hội ấy, Hồng Hạnh vọt nhanh ra ngoài rồi chạy như bị ma đuổi.

Đằng sau cô lồng lộng tiếng thét gào của anh chàng:

- Đừng bỏ anh, Hồng Hạnh ơi!

Chạy ra tới sân, thay vì ghé vào phòng trực cấp cứu Hạnh lại chạy bộ thẳng ra đường. Chỉ kịp leo lên chiếc taxi. Hạnh giục:

- Chạy nhanh!

Cô trở về nhà mình một cách ngẫu nhiên, bởi cô không hề chỉ đường cho người tài xế. Chạy nhanh lên phòng riêng, không kịp thay chiếc blouse ra, Hạnh ngã vật xuống giường, nhắm nghiền mắt lại. Bao nhiêu chuyện vừa xảy ra như đoạn phim quay chậm lại, hiển hiện từng chi tiết...

- Hồng Hạnh!

Hạnh mở cửa ra, sắc mặt tươi hẳn lên khiến Lan ngạc nhiên:

- Sao vậy Hạnh?

Hạnh nói làm Thúy Lan giật mình:

- Mình đưa anh ta đi thật!

Chìa chiếc nhẫn bạch kim ra trước mặt Lan:

- Cậu có nhớ Phong không?

- Phong, người yêu của cậu? Sao không nhớ, anh ta bị cậu đá văng tám ngàn dặm rồi còn gì?

- Vậy mà bây giờ bay ngược trở lại!

Lan cầm chiếc nhẫn xem kỹ và reo lên:

- Nhẫn của Phong! Cậu và anh ta nối lại?

Hạnh cười:

- Vào bệnh viện hỏi anh chàng bệnh nhân chấn thương sọ não sẽ biết.

Lan chợt móc ra một mảnh giấy nhỏ:

- Mình nhặt được trong tủ quần áo của cậu.

Hạnh đọc nhanh mấy chữ trong đó: Gấu trúc phải tới ngay chỗ này!

- Gấu trúc là ai vậy?

- Là mình đó. Cái này là của Phong gửi cho mình.

- Phong vào tận bệnh viện?

Hạnh thấy chưa cần phải giải thích cặn kẽ, nên chỉ cười và nói bâng quơ:

- Mình cám ơn ca trực cấp cứu đầu tiên đó!

- Hạnh, cậu sao thế? Có bệnh gì không?

Hạnh vẫn cười thật tươi:

- Có bệnh... hạnh phúc!

Nói xong, Hạnh bước ra ngay khỏi phòng trước sự ngạc nhiên của Lan:

- Cậu đi đâu vậy? Bệnh viện đang đi tìm cậu vào gấp đó!

- Mình sẽ giải thích sau. Còn bây giờ mình phải đi có việc gấp lắm. Lan chịu khó vào bệnh viện một mình nhé!

Chơi với nhau từ lâu, chưa bao giờ Thúy Lan thấy bạn mình như vậy, cô hỏi lại lần nữa:

- Cậu có sao không vậy?

- Yên chí đi, mình vẫn khỏe! Thôi, khóa cửa giùm mình rồi giữ chìa khóa, lát nữa mình sẽ ghé lại bệnh viện lấy.

Thúy Lan không kịp nói thêm câu nào thì Hạnh đã phóng xe ra đường. Cô đi theo địa chỉ đã ghi trong mảnh giấy Lan đưa lúc nãy. Một địa chỉ rất lạ, ở vùng ngoại ô giáp với con đường dẫn về các tỉnh miền đông, nơi hầu như Hạnh chỉ ngồi xe đò chạy ngang qua chứ chưa đi xe gắn máy tới bao giờ.

Gần một giờ sau, Hạnh mới tìm được địa chỉ, lúc ấy trời đã bắt đầu tối. Cô có hơi lo, nhưng nghĩ tới lời dặn của Phong thì tự dưng Hạnh mạnh mẽ hẳn lên. Vừa bước vào ngôi nhà ngói xưa, có khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh, Hạnh đã nghe tiếng người từ trong hỏi vọng ra:

- Hạnh đó phải không?

Hết sức ngạc nhiên, Hạnh chưa kịp lên tiếng thì một cụ bà từ trong bước ra, làm như đã quen với Hạnh lâu lắm rồi:

- Vào nhà đi con, trời tối, ngoài này nhiều muỗi và gió lắm.

Bà nhìn Hạnh chỉ một thoáng thôi, như để xác định mặt mày người mà bà đang chờ, rồi lại lên tiếng:

- Tụi nó nói trước với bà về con, nhưng bà không ngờ con gái lại xinh xắn, dễ thương đến như vậy. Con tên Hạnh phải không?

- Dạ phải. Nhưng ai nói về cháu với bà? Đây là lần đầu tiên cháu tới đây, và hiển nhiên là cháu chưa biết có ai quen nơi này hay không nữa. Cháu muốn hỏi anh Lộc?

- Chính thằng Lộc đã nói về con với bà. Nó bảo hôm nay con sẽ tới đây và dặn bà phải làm cơm đãi con cho chu đáo. Bà ở đây có một mình, nên cũng không có điều kiện để chợ búa gì, chỉ đơn giản vài món mà Lộc nói là cháu thích.

Bà chỉ mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn, còn bốc khói:

- Bà mới vừa làm xong, bây giờ bà cháu mình ăn rồi từ từ nói chuyện. Ngồi ăn đi con.

Hạnh quả thật lúng túng:

- Dạ... cháu không ăn. Cháu mới...

Bà cụ cười hiền hòa:

- Con đừng nói là mới ăn cơm nghe chưa. Bà biết hồi ba giờ con còn ở trong bệnh viện, rồi chạy về nhà và lập tức lên đây ngay, làm sao ăn cơm? Đừng ngại, bà nấu bữa nay là dành riêng cho con đó, ăn đi.

Chưa bao giờ Hạnh lâm vào hoàn cảnh như vậy, cho nên cô rất khó xử, cứ đứng lóng ngóng hoài, chưa dám ngồi. Trong khi bà cụ thì đã ngồi xuống, đích thân xới cơm bà gắp thức ăn cho Hạnh.

- Ngồi xuống ăn đi con, đừng để bà phải đợi. Vừa ăn bà vừa nói chuyện này cho con nghe.

Hạnh không còn cách nào hơn, cô đang kéo ghế ngồi xuống, lúc này cô mới vô cùng kinh ngạc khi thấy trên mâm cơm có ba món, đúng là những món thường ngày cô rất thích. Phải nói là ghiền ăn mới đúng: Thịt kho tiêu, canh mướp hương nấu với tôm và hẹ xào thịt bò! Ba món ăn chẳng khác nào lúc mẹ còn sống bà thường làm cho Hạnh ăn.

- Những món này...

- Thằng Lộc nói con thích ăn, nên bà nấu cho bằng được. Mùa này trời nắng nóng nên mướp không được ngon, bún tàu cũng không được dai, bởi con thích bún tàu cũng nhỏ, dai, làm bằng bột báng...

Hạnh chặn lời:

- Sao bà biết rành về sở thích của cháu vậy?

Bà cụ lại cười:

- Bà nói rồi, chính thằng Lộc kể cho bà nghe.

- Nhưng... cháu nào biết Lộc là ai, mà Lộc cũng đâu biết cháu?

Bà cụ gần như không quan tâm:

- Ăn thử đi con, xem bà già này nấu còn được không?

Rồi bà còn nói thêm:

- Lộc nó còn dặn, con không thích nêm đường, mà để cho ngọt tự nhiên của mướp và tôm. Mà phải là tôm đất đó nghen!

Mọi thứ bà kể đều đúng y như những gì lâu nay Hạnh thích. Mà chuyện này thì chỉ có mẹ biết và một người nữa... đó là Phong. Vậy tại sao...

Đột nhiên Hạnh nghĩ ra, cô hỏi nhanh:

- Anh Lộc đâu?

- Con mới gặp nó trong bệnh viện, sao lại còn hỏi?

Hạnh hốt hoảng:

- Anh... anh ta... anh Lộc...

Ngạc nhiên đến tột cùng, Hạnh không kịp phản ứng gì chỉ lắp bắp:

- Sao... sao lại...

Bà cụ vẫn thản nhiên:

- Nó về đây báo tin con sẽ tới, rồi có chuyện gì đó lại đi. Trước khi đi nó còn căn dặn kỹ là phải làm cơm bảo con ăn cho bằng được, nó nói con đói lắm rồi. Và dặn là không để con về trước khi nó trở lại.

Hạnh đứng dậy ngay:

- Trời tối rồi, cháu phải về ngay thôi.

- Nhưng, bà chưa nói chuyện này... Cũng như con chưa làm điều gì đó mà trước khi con tới đây đã muốn làm.

Hạnh khựng lại. Quả đúng như bà cụ nói, mục đích Hạnh tới đây là để gặp anh chàng Lộc như trong thư Phong đã viết. Mà chưa gặp mà về thì khác nào công cốc cho chuyến đi này.

Thấy Hạnh lưỡng lự, bà cụ lại nhắc:

- Con cứ ngồi xuống ăn cơm đi. Thằng Lộc sẽ về thôi.

Thật ra khi đã biết người mà Phong yêu cầu gặp Hạnh là anh chàng trong bệnh viện thì trong lòng Hạnh hơi băn khoăn... Cô gặp anh ta để làm gì? Lúc đầu do bị ép, nên Hạnh ráng ăn, nhưng khi đã ăn được nửa chén rồi thì tự dưng thấy ngon miệng, cô ăn luôn một hơi hết hai chén và khen thật lòng:

- Bà làm thức ăn ngon không thua gì má con ngày xưa.

- Nói thật với con, bà biết được những món này không phải từ thằng Lộc, mà trước đây từ lâu, bà đã được một đứa cháu khác nó chỉ cho. Nó nói nó cũng học được từ... mẹ con!

Hạnh tròn mắt kinh ngạc:

- Sao lại là má con?

- Bởi thằng đó nó từng được má con nấu cho ăn nhiều lần!

- Phong?

Hạnh hỏi đại, không ngờ bà cụ gật đầu:

- Chính là nó!

Những nghi vấn đã dần dần hé mở, Hạnh bất thần gọi to lên:

- Anh ở đâu, ra với em đi Phong!

- Đã là bác sĩ rồi mà vẫn y như ngày nào!

Giọng nói thật ấm và quen thuộc của Phong từ phía trong nhà vang ra. Hạnh vừa nhìn vào đã phát ngỡ ngàng, bởi người vừa bước ra là... anh chàng bị chấn thương sọ não trong bệnh viện chớ không phải là Phong.

Nhưng mà...

Anh ta giữ nụ cười thân thiện, cất tiếng nói tiếp:

- Anh đã nói rồi, giờ anh chỉ có thể hiện hữu với em qua hình hài người khác mà thôi. Thân xác của Phong đã nằm dưới lòng đất rồi...

Lúc này giọng bà cụ mới trở nên trầm buồn:

- Lộc là đứa cháu nội duy nhất của bà, ba má nó mất từ hồi nó mới lên ba, bà nuôi nó đến bây giờ. Là đứa có hiếu, lại hiền lành, biết lo cho gia đình, bà đang tính cưới vợ cho nó vào cuối năm nay, thì vừa rồi trong lúc đi ngoài đường đã bị hai chiếc xe chở hàng ép ngã và chấn thương khắp thân thể. Người ta chở nó vào bệnh viện mà bà đâu có hay, mãi cho đến sáng nay khi nó đột ngột trở về và nói giọng của người khác thì bà mới tá hỏa! Nhưng thật ra chuyện này bà đã luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ kỳ lạ từ lâu nay. Trong những giấc ngủ chập chờn, bà thấy một đứa tên Phong hiện về và cứ kêu khóc, xin bà cứu nó, giúp nó đoàn tụ với người nó yêu tên là Hồng Hạnh! Bà đâu có biết Hồng Hạnh là ai, cũng không biết Phong là đứa nào... nhưng vừa rồi, khi Lộc kể hết cho bà nghe thì bà mới hiểu. Thì ra số kiếp của hai đứa này, Lộc và Phong có ràng buộc gì nhau từ tiền kiếp hay sao đó, nên nay phải kết hợp lại.

Hạnh hỏi chen vào:

- Phải chăng... anh Lộc cũng đã chết?

Bà cụ gật đầu:

- Theo bà biết thì đúng là vậy. Phong thì chết từ lâu, hồn phách không siêu thoát được bởi còn căn nợ với con, còn thằng Lộc thì vừa rồi khi vào nằm trong bệnh viện, ngẫu nhiên gặp được con cùng lúc với hồn phách thằng Phong cũng theo con tới đó. Hai đứa nó gặp nhau, một đứa vừa thoát hồn ra thì thằng kia nhập vào xác thằng này. Bởi vậy Lộc mới có thể sống lại mà về đây.

Bà kể tới đó thì quay sang Lộc, hỏi:

- Có phải như vậy không, con hãy nói cho nó biết đi.

Anh chàng gật đầu:

- Những điều bà nội nói đều đúng. Bây giờ tuy hồn phách là của con, nhưng thân xác là của Lộc, nên con chỉ xin bà và Hạnh, tùy ý muốn xem con là ai cũng được...

Anh nói dứt thì gục đầu khóc nức nở.

Hạnh đưa mắt nhìn bà cụ rồi cũng khóc. Một lúc sau, bà cụ từ từ cầm tay Lộc đặt vào tay Hạnh, giọng bà đầy trìu mến:

- Bà già rồi, sự mất mát vừa rồi là quá lớn, quá sức chịu đựng của một người tuổi như bà. Tuy nhiên, dẫu sao thì bà vẫn còn được một đứa cháu khác. Bà nghĩ Phong hay Lộc cũng là cháu. Bà thương các con... Bà cũng mong cháu Hạnh cũng như bà.

Hạnh không rút tay về. Từ lòng bàn tay của anh chàng xa lạ, Hạnh cảm nhận được hơi ấm quen thuộc của người yêu xưa. Hạnh nhìn vào đôi mắt của Lộc, bất chợt cô nhận ra ánh mắt trìu mến, đúng là của Phong ngày nào.

Hai bàn tay họ siết chặt vào nhau và cứ nhìn nhau đắm đuối như vậy, cho đến lúc nhìn lên thì chẳng còn thấy bà cụ đâu nữa.

Vừa xách giỏ đi chợ về tới cổng, Hoa quá đỗi ngạc nhiên khi thấy một thanh niên lạ đi thẳng vào sân nhà mình. Chị gọi lớn vào nhà:

- Má ơi má! Có ai tìm nè!

Anh chàng kia quay lại, thì ra đó là... Lộc!

- Chị Hai!

Hoa ngơ ngác:

- Cậu là...?

- Em là Phong đây mà!

Bà Lựu từ trong nhà nghe con gái gọi cũng vừa bước ra tới. Bà còn hốt hoảng hơn Hoa:

- Phong? Cậu vừa nói cái gì?

Lộc quay sang bà:

- Má! Con là Phong...

Anh ta vừa nói tới đó đã bị Hoa nạt ngang:

- Có bị điên không vậy? Ở đâu vào đây nói nhảm nhí, bộ tưởng đàn bà rồi muốn giở trò hả?

Lộc cố nói:

- Em thật là em chị đây mà chị Hai. Em là Nguyễn Thế Phong, em bị chết nay nhập được hồn vào người khác sống lại, nên về đây thăm má và chị! Chị không tin thì cứ hỏi thử đi, điều gì em cũng biết trong nhà này cả. Em cũng mới vừa gặp Hạnh. Hạnh cũng cùng về với em nữa.

Bà Lựu run lẩy bẩy:

- Đừng... đừng làm tôi sợ. Trời ơi, sao con tôi chết rồi không để cho nó yên, không để cho tôi nguôi ngoai nỗi đau, lại bày ra chuyện làm gì nữa?

Hoa vẫn gay gắt:

- Đừng giả vờ nữa! Thời buổi này làm trò ma quỷ, ai tin mà bày đặt!

Chị chống nạnh hai tay, la lớn:

- Có đi ra không, tôi kêu lên bây giờ!

- Đừng kêu, chị Hai!

Người lên tiếng phía sau chính là Hồng Hạnh. Vừa nhìn thấy Hạnh, Hoa đã phân trần:

- Thằng cha này vào nhà bày trò ma quỷ, nói nó là thằng Phong, em có tin nổi không?

Hạnh chào bà Lựu rồi nắm lấy tay Hoa, cười bảo:

- Anh Phong đó chị Hai!

Lộc không chút ngượng nghịu, bước tới nắm lấy tay bà Lựu:

- Má cũng không nhận ra tiếng nói của con sao? Con là Phong thật đây mà!

Hạnh phải nói rõ hơn:

- Vào nhà đi rồi con sẽ kể hết cho má và chị Hai nghe.

Cô nắm tay Lộc dẫn vào nhà trước sự khó chịu của Hoa. Chị vẫn chưa tin, nhưng cũng phải công nhận tiếng nói của cậu trai này rất giống với giọng của Phong.

Hạnh bắt đầu kể lại từng chi tiết. Sau đó Lộc lại chứng minh nhiều thứ mà cả bà Lựu và Hoa đều sững sờ. Cuối cùng, bà phát ôm chầm lấy chàng trai lạ mà kêu lên:

- Phong! Con của má!

Hoa cũng nắm lấy tay cậu em:

- Chuyện này là thật sao?

Hạnh siết chặt tay chị:

- Nếu không chứng kiến từ đầu thì em không thể nào tin được. Hôm nay đưa anh ấy trở về đây, tùy... bác và chị Hai định đoạt, rồi con mới dám...

Chị Hoa bây giờ đã tin, chị bảo Hạnh:

- Sao em vẫn gọi là bác? Phải gọi như vừa rồi, là má chứ! Chị tin em, tin... cậu này.

Tới phiên bà Lựu bắt bẻ:

- Sao vẫn kêu nó là cậu này cậu nọ. Thật sự nó là thằng Phong thì từ nay phải gọi đúng tên của nó chớ!

Hạnh nói:

- Con đã thỏa thuận với bà nội của... Lộc rồi khi nào ở bên đó thì bà vẫn gọi là Lộc, còn với con và nhà mình thì đó là... Phong! Má và chị Hai có đồng ý không?

Phong với thân xác của Lộc cười rạng rỡ:

- Má và chị Hai cho con ăn cơm đi, con đói bụng, nhớ là phải có món thịt kho tiêu giống như sở thích của Hạnh!

Bà Lựu thêm:

- Có cả canh mướp hương nấu tôm nữa chớ!

Hoa không kém cạnh:

- Còn thiếu hẹ xào thịt bò sao được! Hai đứa bay quả là một khuôn!

Bữa cơm hôm đó vui chưa từng có. Đôi mắt già nua của người mẹ luôn ướt đẫm nước mắt. Tuy nhiên, nước mắt bây giờ là khóc cho sự đoàn tụ ngoài sức tưởng tượng...Hết

Nhận xét

Top Truyện Hot

Pháp y Tần Minh hệ liệt

Pháp y Tần Minh hệ liệt Tác Giả:   Tần Minh Thể Loại: Truyện Ma Dài 👀Tình Trạng:  Đã Hoàn Thành   Đọc Truyện Giới thiệu truyện : Pháp y Tần Minh hệ liệt gồm 5 quyển: + Quyển 1: Người giải mã tử thi + Quyển 2: Lời khai câm lặng + Quyển 3: Ngón tay thứ mười một + Quyển 4: Kẻ dọn rác + Quyển 5: Người sống sót Tác giả: Bác sĩ pháp y Tần Minh 20 hiện trường vụ án khiêu chiến với tâm lý của con người. Đó là chính là 20 hồ sơ chưa từng được giới cơ quan công bố bởi sự tàn nhẫn, biến thái, kinh sợ...mà nó diễn đạt. Người giải phẫu tử thi sẽ thay lời vong linh nói lên sự thật, họ chính là những còn người sớm tối ở tiếp xúc với xác chết. Chín túi đựng tử thi, bàng quang có những mảnh đá vụt, hai chiếc xe chạy qua, đâu mới chính là kẻ thủ ác? Một người phụ nữ bị chặt rời bộ phận, tất cả đều được biến thành nến sáp, ai là hung thủ đã gây nên? Sự thật về cái chết của cô là như thế nào? Chiếc điện thoại bị vỡ thành hai mảnh, trong micro

Đừng để tôi phải giết anh

Truyện Ma 12H  - Xin đừng dù chỉ một lần yêu một ai đó trong sự hời hợt, không thật lòng, lợi dụng, giả dối. Xin đừng dù chỉ một lần làm tan vỡ trái tim những cô gái. Hãy tự chủ trong tình yêu dù lúc đó bạn có yêu người đó nhiều đến mức nào, tình yêu làm tan chảy mọi trái tim phụ nữ nhưng đừng để nó điều khiển, kiểm soát hay phá nát cuộc đời bạn. Bởi đơn giản, nó không đáng. Hãy để cuộc đời điều khiển luật nhân quả và có những thứ ắt sẽ phải trả giá. Tôi hộc tốc phóng xe về nhà, tôi không biết mình đi đâu nhưng tôi đang chạy. Tôi run... và sợ. Đôi tai ong ong, không nghe thấy gì, cảm giác như ai đó rượt đuổi theo mình. Khẽ khàng mỡ cửa, khẽ khàng dắt xe vào nhà.

Ma xô xe ở đèo Hải Vân

Truyện Ma 12H   -  Hé mắt nhìn ra phía trước bức tượng thì trời đất quỷ thần ơi, đập vào mắt bác 1 cảnh tượng rùng rợn đến sởn cả tóc gáy... Nói đến Đèo Hải Vân – Thiên Hạ Đệ Nhát Hùng Quan thì có lẽ ai cũng biết . Đây là con đèo thuộc dãy Trường Sơn ở miền Trung, là ranh giới tự nhiên giữa Huế và thành phố Đà Nẵng.

Bao hẩu quỷ

Truyện Ma 12H  - Giờ thì cô đã lõa thể, và khuôn mặt hơi chuyển sang mờ mịt. Nhạn chợt thò tay bóc ở cổ ném ra một tấm da, để lộ ra trên hốc cổ của mình một cái bọc phập phồng như con ễnh ương... Trong cõi nhân gian người ta thường tương truyền có lắm giống loài ma quỷ lạ. Trong những giống loài ấy, có đôi khi cũng chưa được nhắc tên đến bao giờ nhưng khi được miêu tả lại, vẫn khiến người ta phải kinh sợ.

Kilomet số 13

Truyện Ma 12H   -   Ở trên đời này, gieo nhân nào thì gặt qủa ấy. Hãy nhớ luật nhân quả báo ứng không trừ một ai... Tài lái chiếc Mecxedes bóng loáng, lao vun vút qua cây cầu dài bắt ngang qua con sông Hàn đến công ty làm. Vừa lái xe gã vừa huýt sáo theo nhịp của bài hát, mà cái Radio trên xe đang phát.

Hồng lạp dạ gọi hồn

Truyện Ma 12H  - Vợ hắn từ phòng bên nghe tiếng la vội chạy sang, và chỉ kịp nhìn thấy chồng gục xuống bàn. Lửa từ cây nến tàn đã bén sang tấm trải bàn, cháy lan sang các vật dụng khác... I. Đồn trưởng Lưu Mạnh tưởng như vậy là chiến thắng. Người ta đồn ầm lên về chuyện một hoa khôi mới vừa xuất hiện ở kỹ viện Hồng Nhan. Một người rành chuyện đã tô vẽ thêm: - Cô nàng này vốn là con nhà giàu, do gia cảnh bị sa cơ thất thế nên mới đem thân ngà ngọc bán vào chốn nhơ nhớp!

Hình nhân

Truyện Ma 12H  -  Trong gương, đứng sau lưng Mai là một nữ nhân với khuôn mặt tái nhợt, da dẻ mục rữa, đầu trọc lốc chỉ còn lún phún vài cọng tóc, đang há hốc chiếc miệng đèn ngòm rộng toác, hai hốc mắt sâu hun hút không ngừng tuôn ra từng giọt máu đen... Ánh nắng vàng rực xuyên qua từng kẽ lá, tạo thành những vệt dài đâm thẳng xuống mặt đất, làm nổi lên những hình sáng nguệch ngoạc đến quái dị. Lê từng bước nặng nhọc tới trước cửa sổ có những song sắt đã hoen rỉ, Quang Bảo đưa mắt về phía khu vườn sau nhà. Cậu thẫn thờ dõi theo từng chuyển động của vài chiếc lá đã khô héo, chỉ chực lìa khỏi cành. Đã cuối hạ, Sài Gòn vẫn oi bức, đến những cơn gió hiếm hoi thỉnh thoảng ùa qua cũng mang theo sự ngột ngạt đến khó thở.

Bóng ma trên tầng cao

Truyện Ma 12H  -  Ban đêm, gió lay động màn cây in bóng cành lá lên tường nhà. Những chiếc đèn pha ô tô đôi khi hắt mạnh ánh sáng vào những gian phòng rộng và đồ đạc cũ trong nhà như xuất hiện từ bóng tối, có những hình thù lạ và dễ sợ... Một ngôi nhà xanh hai tầng, một gác xép, một khu vườn, một nhà xe và rặng cây ngăn cách nhà hàng xóm. Người ta gọi là ngôi nhà xanh vì những cánh cửa sơn xanh.

Người tình và sợi dây thòng lòng

Truyện Ma 12H  -  Trong phòng, xác Trúc Quỳnh treo lơ lửng giữa trần nhà. An là người nhào vô trước, anh chụp lấy chân nàng đỡ lên. Nhưng lúc ấy anh đã cảm nhận được rằng mình tới đã quá trễ. Trúc Quỳnh đã chết!... Liễu Huệ đứng lấp ló mãi mà vẫn chưa dám gọi trong khi lòng dạ cô nóng ran, không thể chờ được nữa. Bên trong, anh chàng Thanh An đang say sưa giảng bài các học sinh đang chăm chú lắng nghe... Chính điều đó đã khiến cho Huệ không dám lên tiếng.

Con ma nhà xác

Truyện Ma 12H  -  Đồng hồ vừa gõ năm tiếng cũng là lúc Tư Lân chìm sâu vào giấc ngủ. Và cũng là lúc ông ta cảm giác như có ai đó đè lên người mình, suýt nghẹt thở... Tư Lân chỉ ú ớ rồi thôi... Dựng xong chiếc xe đạp cà tàng của mình vào một góc, Tư Lân lên tiếng ngay với người đồng nghiệp đang chờ để thay ca trực: - Xin lỗi có hơi trễ, kẹt xe quá trời anh Năm! Năm Sang, người trực ca ban ngày cười giả lả: - Đâu có sao, bù qua sớt lại mà, sáng mai tôi lại phải nhờ trực lố khoảng nửa tiếng. Bà xã ở nhà bị bệnh. Ông ta đứng lên gom đồ đạc chuẩn bị về. Trước khi đi, Năm Sang mở sổ ra và dặn: - Hôm nay có bốn xác mới nhập. Hai nam, hai nữ. Tất cả đều tử nạn giao thông.