Chuyển đến nội dung chính

Pháp y Tần Minh hệ liệt - Chương 7

Pháp y Tần Minh hệ liệt


Phap y Tan Minh he liet - Chuong 7
Tác Giả:  Tần Minh
Thể Loại: Truyện Ma Dài
👀Tình Trạng: Đã Hoàn Thành




Chương 7: Vụ án thứ bảy – Cậu bé mắt to


“Bác sĩ Tần!”

Tôi quay đầu lại. Một khuôn mặt quen thuộc xuất hiện trước mắt tôi.

Ngay lúc này, sắc mặt tôi đang tái nhợt, đôi mắt vằn lên tia máu. Không ngờ một kẻ luôn tự xưng to gan lớn mật như tôi lại bị dọa sợ đến nỗi ấy. Dù chuyện đó đã qua từ cách đây 20 phút, nhưng đến giờ nhịp tim của tôi vẫn trên 120, hai chân vẫn bủn rủn không thôi. Chẳng lẽ bác sĩ pháp y đều phải đối mặt với những sự việc tưởng như không thể diễn ra như thế sao?
“Cậu không sao chứ?” Người phụ nữ trước mắt như thấy được sự bất thường của tôi, liền quan tâm hỏi han.

“Không… Không sao… Xin lỗi, chúng ta đã từng gặp nhau phải không?” Trông chị ấy rất quen mắt, nhưng tôi vẫn chưa kịp lấy lại tinh thần khỏi nỗi kinh hoảng, nên không thể nhớ nổi mình đã gặp chị ở đâu.

“Cậu không nhớ ra tôi sao?” Ánh mắt người phụ nữ ngập tràn u buồn, “Tôi là mẹ của bé Thanh Hoa đây!”

“A! Bé Thanh Hoa!” Cuối cùng tôi cũng nhớ ra, đó là một cậu bé mắt to vô cùng đáng yêu. “Sao rồi chị? Bé con vẫn khỏe chứ?”. Tôi đưa mắt nhìn tấm biển “Bệnh viện nhân dân tỉnh”, hiểu ngay rằng những lời này hoàn toàn vô nghĩa.

Đúng như tôi nghĩ, lời nói vừa dứt, chị ấy đã rơm rớm nước mắt: “Phẫu thuật chưa được hai năm thì bệnh tình tái phát, không còn cách nào khác, chúng tôi đành đưa con đến bệnh viện tốt nhất tỉnh để chữa trị, nhưng bác sĩ nói chỉ là hi vọng xa vời thôi.”

Người phụ nữ này khoảng hơn 30 tuổi, khuôn mặt vẫn xinh đẹp, trông không giống người đã có con sáu tuổi. Nhưng từ trang phục giản dị của chị cũng có thể thấy chị ấy hiện nay không dư dả gì.

Hình ảnh bé Thanh Hoa khắc sâu trong kí ức thời thực tập tốt nghiệp đại học của tôi.

Kỳ thực tập của chúng tôi kéo dài nửa năm, phần lớn thời gian đều lăn lộn ở các phòng bệnh. Phòng bệnh đầu tiên tôi phụ trách thuộc khoa ngoại thần kinh, lúc ấy tôi là bác sĩ chăm sóc cho bé Thanh Hoa. Khi đó bé mới có 4 tuổi, hai mắt to tròn khiến cho ai thấy cũng yêu quý. Các bác sĩ, y tá cũng như bạn cùng phòng đều rất thích bé, bởi vì bé có thể khiến mọi người vui vẻ, làm cho cả phòng cười lên cười xuống.

Nhưng ông trời không dành sự ưu ái cho đứa bé hoạt bát, thích cười này. Sau một tuần bé Thanh Hoa nhập viện, kết quả chẩn đoán cho thấy: Ung thư não.

Nhìn ba mẹ mỗi ngày đều giàn giụa nước mắt, bé Thanh Hoa cũng dần hiểu được bệnh tình của mình, bé hỏi mẹ: “Có phải con sắp chết không? Không sao đâu, kiếp sau con lại là con của mẹ, nhé?” Một đứa bé 4 tuổi, nhỏ như vậy nhưng đã khiến mọi người ở đó cảm động.

Lần đầu tiên tôi đứng mổ, chính là tham gia cuộc phẫu thuật não của bé Thanh Hoa. Cuộc phẫu thuật này không chỉ loại bỏ mầm bệnh trong não bé, mà còn tiến hành cắm ống giảm sức ép vào não bé, tức là đặt trong não một ống nhỏ, luồn dưới da, nối tiếp đến khoang bụng, sau đó thông qua một cái van nhỏ, dẫn dịch ứ đọng trong não dẫn thẳng xuống bụng. Phẫu thuật kiểu này nghe thật tàn nhẫn, nhưng có kết quả hơn cả mong đợi, bé Thanh Hoa sau khi phẫu thuật liền khôi phục rất tốt, có thể chạy nhảy chơi đùa, nhưng nói năng hơi khó khăn. Tôi vốn nghĩ thằng bé được cứu rồi. Thật không ngờ, Tử thần lại một lần nữa tìm đến.

Dù tôi biết bệnh này tái phát vốn lành ít dữ nhiều, nhưng vẫn quan tâm hỏi: “Bác sĩ nói thế nào?”

“Dự định phẫu thuật lần nữa, có điều… rất khó hồi phục… Hơn nữa chúng tôi cũng không lo nổi chi phí.” Mẹ của Thanh Hoa nói mà nước mắt chỉ chực trào ra.

“Tần Minh, lại đây.” trưởng khoa Hồ gọi lớn.

“Chị ở khoa ngoại thần kinh phải không? Em lo xong vụ án này sẽ đến thăm bé Thanh Hoa. Mạnh mẽ lên nhé, đừng sốt ruột.” Tôi an ủi mẹ Thanh Hoa một câu, rồi vội chạy đến phòng cấp cứu của khoa ngoại thần kinh.

Bấy giờ tôi đã trải qua hai năm học văn bằng hai tại Học viện cảnh sát Trung Quốc, quay về quê nhà, thực tập lại Cục công an thành phố Long Phiên. So với những người cùng thực tập thì tôi có kinh nghiệm phong phú hơn rất nhiều. Mấy tháng gần đây, thầy giáo của tôi là thầy Hồ, trưởng ban pháp y của Cục.

Hai năm học tại Học viện cảnh sát, đối với kẻ có thể chất không được tốt như tôi thì đúng là những ngày Địa ngục. Học viện cảnh sát chú trọng rèn luyện thể chất cũng như nâng cao kiến thức pháp luật, vừa vặn bù đắp những khuyết điểm của tôi khi làm công an của cơ quan pháp y. Tuy rằng ở phòng tập tôi thường phải chịu cảnh đánh đấm máu me bầm dập, nhưng tôi hiểu được rằng, chỉ có vượt qua những giây phút huấn luyện gian khổ như thế, tôi mới có thể trở thành một người cảnh sát nhân dân chân chính.

Vậy nên lúc này hẳn là khoảng thời gian tâm tình thư thái nhất của tôi.

Tôi đã thuận lợi vượt qua cuộc thi công chức, quá trình kiểm tra trên tỉnh cũng gần kết thúc. Nói cách khác, chỉ cần hết kỳ thực tập, bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp là tôi sẽ trở thành một chiến sĩ công an của tỉnh. Không có gánh nặng đầu ra nên tâm lý tôi rất thoải mái, công việc cũng theo đó mà thuận buồm xuôi gió.

Thế nhưng hôm nay, bỗng nhiên biết được bệnh tình của bé Thanh Hoa đột nhiên chuyển biến xấu, tôi không thể vui vẻ được nữa.

“Cậu chờ ở đây, tôi muốn đưa ông ấy đi cấp cứu, chụp CT xong hẳn là sẽ hiểu được tình trạng này.” Trưởng khoa Hồ chỉ giường bệnh nhân, nói.

Vì bị ảnh hưởng bởi bệnh tình của bé Thanh Hoa, nên tâm trạng của tôi lúc này từ hoảng sợ trở thành nặng trĩu. Nhìn trưởng khoa Hồ cùng hai cảnh sát đẩy bệnh nhân vào phòng cấp cứu, tôi xoay người đi sang dãy phòng bệnh của khoa ngoại thần kinh.

Bé Thanh Hoa nằm trong phòng bệnh sáu giường, là loại phòng bệnh cấp thấp nhất trong bệnh viện tỉnh. Trong phòng bệnh đầy mùi cồn sát trùng và bông băng, xộc lên gay mũi.

“Chú Tần!” Tôi vừa bước vào phòng liền nghe thấy tiếng nói trong trẻo của bé Thanh Hoa, “Chú Tần, chú… sao chú… sao chú lại đến đây?”

Có thể thấy tình trạng mất khả năng nói của bé Thanh Hoa ngày càng nghiêm trọng. Tôi mỉm cười đến gần bé con, nắm lấy bàn tay nho nhỏ, không thể nói nên lời. Dây thần kinh thị giác của bé Thanh Hoa đã bị chèn lên, dẫn đến một bên mắt bị lác, tóc cũng bị rụng sạch. Nhưng tôi nhìn trong ánh mắt bé vẫn nở rộ những lạc quan, những vui cười, khiến cho nước mắt tôi không kìm được mà trào ra.

“Con có khỏe không?” Tôi cố gắng điều chỉnh hô hấp, nghẹn ngào nói mấy chữ này.

“Không… không sao đâu, con không sợ chết… chú… chú.” Giọng bé Thanh Hoa vẫn quen thuộc như vậy, nhưng mỗi chữ rót vào tai đều thấy thật khó khăn biết mấy.

“Đừng nói lung tung, con sẽ không chết.” Dẫu rằng bé chỉ là một trong những bệnh nhân mà tôi đã từng chăm sóc, nhưng bất cứ ai nhìn thấy một đứa bé nhỏ như vậy mà kiên cường chống chịu sự tra tấn của bệnh tật, đều sẽ không cầm được nước mắt.

“Ngoan, chịu khó dưỡng bệnh, chú sẽ quay lại thăm con nhé.” Tôi thực sự không thể khống chế được nỗi nghẹn ngào, đành tạm biệt bé Thanh Hoa, xoay người rời khỏi phòng bệnh.

Ngoài cửa, mẹ của Thanh Hoa – Phó Ngọc đang úp mặt vào vai chồng mình là Ngô Kính Phong khóc nức nở. Ngô Kính Phong chỉ biết bất lực nhìn lên trần nhà.

“Tình trạng hiện nay như thế nào?” Tôi phá vỡ không khí vô cùng bi ai này, hỏi.

“Bác sĩ nói, lần này mầm bệnh tái phát ngay bên cạnh động mạnh, nếu phẫu thuật sẽ vô cùng mạo hiểm. Giờ vẫn đang giữ nguyên quá trình trị liệu.”

“Có khó khăn gì không?” Tôi hỏi.

“Chi phí rất cao. Thứ gì đáng tiền đều đã bán hết rồi, nhà cũng chẳng còn, sắp không kham nổi nữa. Mà phản ứng sau hóa trị của thằng bé rất nghiêm trọng, nôn đến chết đi sống lại, chúng tôi… Chúng tôi thật không đành lòng.” Phó Ngọc nói xong lại khóc òa. Dù sao tôi cũng từng là bác sĩ chăm sóc cho con họ, vậy nên họ rất tin tưởng mà kể hết với tôi.

Khi đó không có Weibo, không tìm được cách nào để kêu gọi quyên góp cho bé Thanh Hoa, tôi chỉ có thể lấy hết 200 tệ của mình, nhét vội vào tay Ngô Kính Phong, sau đó gạt nước mắt rời khỏi phòng bệnh.

Trong lòng vô cùng đau đớn.

Trước cảnh ngộ của đứa bé đáng yêu này… tôi đành bất lực.

Khi đến phòng chẩn đoán của khoa ngoại thần kinh, tôi thấy trưởng khoa Hồ đang cầm kết quả chụp CT, đưa lên máy chiếu. Ông cùng chủ nhiệm Ngụy của khoa não trao đổi gì đó. Tôi đi tới, nhìn vào phim chụp. Trưởng khoa Hồ không biết tôi đi gặp người quen, còn tưởng tôi trốn đi hút thuốc, cười hỏi: “Thế nào, chưa bị dọa cho ngu người đấy chứ? Xem phim chụp đi, thấy có vấn đề gì không?”

Vấn đề này chỉ như trò trẻ con, không thể làm khó được tôi. Tôi thuận miệng đáp: “Là tổn thương va đập đối xứng.”

Trời trong xanh, không một gợn mây.

Sau những tháng ngày học ở Học viện cảnh sát, tôi đã luyện được thói quen ngủ sớm dậy sớm, đến bây giờ cũng không chỉnh lại đồng hồ sinh học được nữa. Bởi vậy tôi dậy rất sớm, chạy vài vòng sân thể dục của Cục công an, sau đó tới phòng thí nghiệm bệnh lý, mở kính hiển vi ra, bắt đầu quan sát mấy mẫu vật bệnh lý học.

Tôi ngồi đó được hai tiếng đồng hồ, chẳng mấy chốc đã đến 8 giờ sáng. Trưởng khoa Hồ dụi đôi mắt buồn ngủ nhập nhèm, đi vào phòng thí nghiệm.

“Vào phòng kí túc của cậu tìm không thấy đâu, tôi đoán là cậu đến đây. Không tệ nhỉ, rất chăm học.”

Trưởng khoa Hồ ngoài bốn mươi tuổi, đẹp trai, chỉ cần giơ tay nhấc chân cũng đã toát ra cảm giác của một người đàn ông trưởng thành. Thầy ấy rất nổi tiếng ở đội hình sự, được khen là người cuốn hút, hội tụ đủ cả ngoại hình đẹp và trí tuệ cao.

“Thầy dậy sớm thế ạ?” Tôi vội vã đứng lên, không dám thất lễ với thầy. Đây là bệnh nghề nghiệp hình thành từ khi học tại Học viện cảnh sát.

“8 giờ? Vẫn sớm nhỉ? Sắp xếp rồi chuẩn bị xuất phát, khu Bảo Hà có án mạng.” Trưởng khoa Hồ mải miết thu dọn hộp dụng cụ khám nghiệm của mình.

Chúng tôi vội lên xe, tiến về phía khu Bảo Hà. “Tình huống thế nào ạ?” Tôi hỏi trưởng khoa Hồ.

“Đó là một cụ ông sống một mình, bình thường sống dựa vào nghề sửa giày. Ông cụ mua một căn nhà mặt đường hai tầng, tầng một mở cửa hàng, có lắp cửa cuốn, tầng hai để ở. Nhà đối diện thấy hơn một ngày rồi mà ông ấy không mở hàng liền sinh nghi. Khoảng 6 giờ sáng này thấy di động của ông cụ kêu nhưng không ai bắt máy, thấy không ổn bèn chạy sang gõ cửa, gõ mãi cũng chẳng ai thưa. Không còn cách nào khác, họ phải trèo lên tường nhà đối diện, ngó sang thấy cửa sổ nhà ông cụ mở toang, ông nằm trên giường không động đậy, trên gối còn có máu. Họ biết có tai nạn chết người nên vội gọi 110.”

“Có xác định là án mạng không ạ?”

“Cảnh sát 110 không vào hiện trường, bây giờ đang ở nhà đối diện cẩn thận quan sát sang, đầu giường có máu, ông cụ đang nằm đó, không thấy thở nữa.”

“Cửa cuốn đóng kín, vậy tức là kẻ hành hung vào từ cửa sổ?”

“Đúng là cửa cuốn đã đóng lại, tầng một không có cửa sổ, tầng hai chỉ có một cửa sổ đó thôi. Vậy nên hoặc là hắn ta nâng cửa lên chui vào, hoặc là nhảy qua cửa sổ.” Trưởng khoa Hồ nói.

Chúng tôi nhanh chóng tới hiện trường. Ở đó đã có mấy chiếc xe cảnh sát đứng ngăn trở, hình thành một vòng bảo vệ. Có rất nhiều người dân hiếu kỳ từ ngoài vòng xe ngóng cổ vào, bàn tán xôn xao.

“Ông cụ mua nhà xong thì làm gì có tiền, ai lại đi giết ông ấy chứ?”

“Vậy mới nói, không vợ con, hàng ngày sửa giày, cũng chẳng mâu thuẫn với ai.”

“Ông cụ này tốt lắm, rất nhiệt tình. Giày của chúng tôi nếu hỏng nhẹ đều được sửa miễn phí. Kẻ nào giết ông ấy nhất định phải bị trời phạt.”

“Đúng thế, lần trước tôi thấy một cô bé, trời tối mịt vẫn phải ra ngoài, rất sợ hãi, ông ấy còn bật đèn pin đưa con bé đến tận chỗ có đèn sáng nữa.”

Những lời bàn tán của người dân cho thấy ông cụ vốn có tiếng là tốt bụng, có lẽ việc phân tích tính chất vụ án này sẽ tương đối phức tạp.

Nhân viên khám nghiệm dấu vết đang cẩn thận kiểm tra cửa cuốn.

Trên cửa bám rất nhiều bụi bẩn, bên ngoài không thấy dấu hiệu mở khóa. Nói cách khác, cánh cửa này luôn được đóng mở từ bên trong, có thể loại trừ trường hợp có người từ bên ngoài mở hoặc khóa cửa lại.

“Xem ra kẻ thủ ác chỉ có thể vào từ đường cửa sổ.” Tôi khoanh tay đứng nhìn nhân viên khám nghiệm hiện trường bận rộn làm việc.

Trưởng khoa Hồ ngẩng đầu nhìn trên dưới, trong ngoài cửa sổ, nghi hoặc nói: “Cao như vậy, cửa sổ lại nhô ra, phải tài năng thế nào mới trèo vào được chứ? Có phải như trong phim ‘Nhiệm vụ bất khả thi’ đâu!”

“Hay là đu từ nóc nhà xuống.” Tôi ngửa đầu nhìn, cảm thấy khó mà trèo từ dưới lên được, nhưng cũng không phải từ cửa chính đi vào, vậy thì chỉ có khả năng đó mà thôi.

Trong lúc nói chuyện, cửa cuốn đã bị kĩ thuật viên cạy ra. Bên trong cửa được khóa lại bằng một chiếc khóa móc từ dưới đất móc lên, vẫn hoạt động bình thường.

Ở tầng một rất lộn xộn, những chiếc giày cũ xếp lung tung, có vài dụng cụ sửa giày đơn giản và rất nhiều đồ đồng nát. Xem ra ông lão này ngoài sửa giày còn thu mua phế liệu để trang trải qua ngày. Giữa từ tầng một lên tầng hai không xây cầu thang, chỉ có một chiếc thang đơn sơ làm đường lên xuống.

Nhân viên khám nghiệm hiện trường nhanh nhẹn sắp xếp dụng cụ, bắt đầu kiểm tra chiếc thang đó. Dấu vết trên thang rất quan trọng, nếu trên thang không có dấu tay, dấu chân khả nghi, hoặc những dấu vết khác như dấu găng tay, dấu giày… thì hung thủ chỉ có thể ra vào bằng đường cửa sổ. Nếu xác định được điểm này sẽ rất có lợi cho việc khoanh vùng kẻ bị tình nghi. Nói chung, cũng không phải tất cả mọi người đều có năng lực vượt nóc băng tường.

Tôi và trưởng khoa Hồ kiên nhẫn chờ ngoài hiện trường. Mười phút sau, nhân viên khám nghiệm hiện trường từ bên trong nói vọng ra: “Trên thang chỉ có một loại dấu giày và dấu vân tay, tôi đã lấy mẫu đây rồi. Nếu đối chiếu thấy khớp với nạn nhân thì hung thủ chỉ có thể đi từ cửa sổ vào.”

Chúng tôi lập tức đeo găng tay, khẩu trang, bao chân và mũ, dẫm lên ván khám tra (1) đến bên cạnh chiếc thang.

Đây là một chiếc thang cũ nát, đã dùng nhiều năm, dường như có thể sập bất cứ lúc nào. Trên sàn tầng hai có một cái lỗ lớn, đây chính là chỗ thông giữa tầng một và tầng hai, chiếc thang gác lên một bên lỗ đó.

“Đi lên đi.” Trưởng khoa Hồ là dẫn đầu mọi người leo lên. Tôi theo ngay sau thầy ấy, từ từ trèo lên tầng hai.

Tầng hai bài trí rất giản dị, chỉ có một bàn làm việc cũ kỹ bên cạnh một chiếc giường nhỏ. Ông cụ im lặng nằm trên giường, tôi đứng từ xa quan sát một lúc, thấy ông cụ đúng là không còn thở nữa.

Trưởng khoa Hồ vẫn tập trung xem hung thủ vào hiện trường bằng cách nào. Thầy đi đến bên cửa sổ, xem xét kỹ chiều cao của cửa sổ, những dấu vết trên cửa sổ cũng như khoảng cách từ nóc nhà tính xuống.

Tôi quan sát xung quanh thi thể. Trên đầu giường có một dấu máu, trên gối đầu là hai vết máu nhỏ, trên mép thi thể có vết nôn.

“Lượng máu chảy ra rất ít.” Tôi nói.

Trưởng khoa Hồ không nói gì, vẫn tiếp túc chăm chú kiểm tra cửa sổ.

Kiểm tra bước đầu hoàn tất. Vì muốn nhanh chóng khám nghiệm tử thi, xác định thời gian tử vong và vết thương trí mạng, nên chúng tôi liền làm nốt vài bước khám nghiệm tại hiện trường cuối cùng, để sau đó còn đưa thi thể về phòng giải phẫu pháp y, trực thuộc nhà tang lễ Cục công an thành phố Long Phiên. Hiện trường giao lại cho các kỹ thuật viên hiện trường tiếp tục khám nghiệm vật chứng.

Trước tiên, tôi nhấn nhẹ lên đầu thi thể, không thấy có cảm giác ma sát xương, vì thế tôi lật thi thể đang nằm nghiêng lại, để mặt trước ngửa lên.

Hai mắt của thi thể nhắm nghiền. Theo đúng thủ tục, trước hết cần phải kiểm tra tình trạng kết mạc, giác mạc, đồng tử. Tôi dùng hai ngón tay vạch mí mắt thi thể lên.

Lúc này có tình huống bất ngờ phát sinh.

Thi thể đột nhiên mở mắt, hai mắt nhìn tôi chằm chằm.

Đầu tôi như nổ tung, trống rỗng, tóc gáy như dựng ngược lên. Tôi bắt bản thân phải bình tĩnh lại, đây nhất định là ảo giác, nhất định là đôi mắt này vốn đã mở sẵn từ đầu rồi, chỉ là tôi không chú ý thôi. Tuy trong lòng nghĩ vậy, nhưng tay tôi vẫn cứng đờ đặt trên mí mắt của ông cụ.

Mãi một lúc sau, cái miệng phía dưới cặp mắt thất thần kia bỗng có tiếng rên rỉ vang lên: “Ưm…”

Tôi cảm thấy như chân mình mềm nhũn, lùi lại phía sau vài bước, suýt chút nữa rơi xuống cái lỗ thông giữa hai tầng. Tôi tựa vào tường, bất giác run rẩy.

Trưởng khoa Hồ hình như cũng nghe thấy tiếng rên âm u kia, quay đầu lại thấy tôi mặt mũi tái mét, chân tay run cầm cập bèn hỏi: “Sao thế?”

Tôi nhìn thi thể đang hướng mặt lên trời kia, thấy ông cụ vẫn đang nhìn trần nhà chằm chằm, vô cùng kinh khủng, cực kỳ đáng sợ. Tôi không kìm chế nổi mà run lẩy bẩy: “Xác… xác chết sống dậy!”

“Luyên thuyên!” Trưởng khoa Hồ chạy đến bên thi thể, đặt hai ngón tay lên động mạch cảnh. Vài giây sau, thầy hô lớn: “Gọi người tới đây, ông cụ không chết, phải đưa đi bệnh viện thôi!”

Tôi vẫn đứng tựa vào tường, hồn vía lên mây, sắc mặt tái dại, hai chân như nhũn ra.

“Đi nhanh lên!” Trưởng khoa Hồ quát.

Không ngờ lại gặp chuyện như vậy. Thì ra ông lão này rơi vào trạng thái chết giả, nếu quan sát sẽ không thấy hoạt động hô hấp nữa, sau khi tôi lấy tay tác động lên mắt ông ấy mới khiến ông tỉnh lại. Nhưng vì ông ấy đang bị thương nên chỉ có thể mở mắt mà rên.

Tôi và trưởng khoa Hồ gọi một chiếc xe cảnh sát, bật còi hụ mở đường lao đến bệnh viện nhân dân tỉnh. Trên đường đi, trưởng khoa Hồ nói: “Chủ quan quá, điều tra viên nói có người chết, cậu cũng tự nhiên xác định là người ta chết rồi hả? Đừng quên, việc chẩn đoán có tử vong hay không là công việc của bác sĩ pháp y. Cậu quá bất cẩn, thấy không hô hấp thì cho là chết rồi sao? Sau này phải nhớ kỹ, đến hiện trường phải xem thi thể có thi ban hay không. Thi ban là căn cứ quan trọng để xác định tử vong.”

Chuyện đó vốn dĩ tôi cũng biết, lần này lại sơ suất, thiếu chút nữa làm bản thân sợ vỡ mật.

“Lại còn xác chết sống dậy cơ đấy~ Ha ha ha.” Trưởng khoa Hồ cười nhạo tôi.

Tôi vẫn chưa lấy lại tinh thần, không để ý đến lời trêu cợt của thầy Hồ.

Cứ như vậy, tôi mặt mày tái nhợt, mắt vằn tia máu đi tới bệnh viện nhân dân tỉnh, sau đó gặp được bé Thanh Hoa cùng cha mẹ.

Tổn thương trên đầu của ông cụ là tổn thương va đập đối xứng, dẫn đến trạng thái chết giả. Xác định việc này xong, chúng tôi cũng yên tâm hơn nhiều.

Tổn thương va đập đối xứng là trường hợp khi trên đầu có vết thương, sẽ gây ra xuất huyết và bầm tím trên não, hơn nữa, tại vị trí tương xứng phía bên kia của não cũng sẽ có những vết xuất huyết, bầm tím tương tự, nhưng trên mặt ngoài không có những tổn thương trên da đầu hay gãy vỡ xương sọ. Hiện tượng này xuất hiện khi xương sọ đang chuyển động rất nhanh thì đột ngột dừng lại, hình thành tổn thương trên bề mặt da đầu cũng như trên não. Do có quán tính nên phía não tương xứng cũng va đập vào mặt trong của xương sọ, dẫn đến xuất huyết và bầm tím tương ứng. Cho nên đối với những tổn thương va đập đối xứng kiểu này, về cơ bản có thể chẩn đoán chính xác là do giảm tốc đột ngột dẫn đến tổn thương, ví dụ như vấp ngã, đập đầu vào tường…

Nếu như có hung khí trực tiếp tác động lên đầu, sẽ tạo thành tổn thương trên da đầu, xương sọ, trên não cũng sẽ có dấu hiệu xuất huyết và bầm tím, nhưng phía não tương xứng sẽ không có dấu vết tương tự. Loại này được gọi là tổn thương do bị tấn công, hình thành trong khi xương sọ chuyển động ở tốc độ thường.

Sau khi đi đến kết luận này, chúng tôi lập tức liên hệ với nhân viên khám nghiệm hiện trường.

Nhân viên khám nghiệm hiện trường Tiểu Ngô cũng rất thoải mái nói: “Ở hiện trường phát hiện một dấu trượt ngã, là dấu chân của ông cụ. Xem kỹ hai tầng không phát hiện ra dấu vết khả nghi nào, trên thang cũng vậy, chỉ có dấu vân tay của ông cụ thôi.”

“Không có dấu vết ra vào, vậy đây là hiện trường đóng kín.” Sắc mặt thầy Hồ trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều, “Hẳn là buổi tối ông cụ mở cửa ra cho thông thoáng, lúc quay về giường thì trượt chân ngã xuống, bị thương ở đầu nhưng không quá nghiêm trọng. Sau khi lên giường nằm mới bị chảy máu trong, dẫn đến nôn mửa, hôn mê, rơi vào trạng thái giả chết.”

“Ừm.” Tôi vẫn không thể nhẹ lòng được, trong đầu tôi vẫn tràn ngập hình ảnh bé Thanh Hoa có đôi mắt to tròn.

“Giao lại cho đội điều tra tiếp tục làm việc, không có gì nữa đâu, đây là một vụ tai nạn ngoài ý muốn thôi.” Trưởng khoa Hồ rất cao hứng, quay đầu nhìn tôi, “Cậu vẫn chưa hoàn hồn đấy hả?”

“Không phải đâu ạ.” Tôi mang toàn bộ chuyện của bé Thanh Hoa kể cho trưởng khoa Hồ nghe.

Ánh mắt trưởng khoa Hồ trở nên buồn bã, thầy lấy ra 200 tệ, nói: “Số trời vậy đấy, đây là chút tấm lòng của tôi, cậu giúp tôi đưa cho thằng bé.”

Một đứa bé đáng yêu như thế, còn chưa kịp hưởng thụ cuộc đời tươi đẹp đã phải bắt đầu đếm ngược đến ngày chấm dứt cuộc sống. Sự lạc quan của bé, tinh thần dũng cảm của bé cứ dần dần khắc sâu vào lòng tôi. Đứa bé ấy mới sáu tuổi, vậy mà lại biết nỗi khổ của cha mẹ mình, sẵn sàng đối mặt với cái chết mà không hề sợ hãi.

Tôi cảm thấy dù bé Thanh Hoa chỉ là một trong số những bệnh nhân tôi từng chăm sóc, nhưng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn được.

Khi quay lại ký túc xá, tôi không chút đắn đo, lấy sổ tiết kiệm của mình ra. Dẫu rằng bây giờ tôi không đi làm, tiền nuôi bản thân cũng không có, nhưng vẫn còn một ít tiền gửi ngân hàng. Số tiền này đều do ông nội tôi mỗi tháng giấu diếm gửi cho thằng cháu yêu quý. Tôi vốn không tiêu đến số tiền này, định khi công việc ổn định thì mua quà tặng ông. Song lúc này cứu người quan trọng hơn. Số tiền tuy không nhiều, nhưng ít nhất cũng có thể giúp bé Thanh Hoa ở lại thế gian thêm vài ngày.

Bạn cùng phòng cũng bị tôi tác động, gom tiền tới tấp, cứ như vậy mỗi người một ít cũng được 5000 tệ. Khoản tiền ấy đối với những người chưa đi làm như chúng tôi quả là không nhỏ.


(1)Ván khám tra: là dụng cụ có thể lắp ghép thành dạng ghế, cầu, bàn… Nhân viên khám nghiệm dùng vật này làm đường đi để tiến vào hiện trường, tránh việc bước trực tiếp có thể ảnh hưởng đến chứng cứ tại đó.

Hôm sau là ngày nghỉ, tôi vui vẻ chạy đến tiệm đồ chơi, mua cho bé Thanh Hoa một món quà nho nhỏ, rồi ôm 5000 tệ đến bệnh viện nhân dân tỉnh.

Khi tôi đến đó liền phát hiện không khí ở đây hơi khác lạ. Nhiều bác sĩ và y tá không ở phòng làm việc của mình, cũng không đi khám bệnh mà vội vã chạy tới phòng hồi sức cấp cứu. Hai chiếc xe cảnh sát rú còi inh ỏi cũng lao về hướng đó.

Tôi không để ý nhiều, lập tức đi đến khoa ngoại thần kinh. Dãy phòng bệnh vắng hoe, một cảm giác bất thường ùa lên trong lòng tôi. Tôi vội vàng cầm đồ chơi mua cho bé Thanh Hoa, bước đến trước cửa phòng bệnh của thằng bé.

Trong phòng không có một bóng người.

Lòng tôi chợt run lên. Tôi chạy tới phòng trực, thấy bác sĩ trực ban đang chống tay lên cửa sổ, nhìn đăm đăm xuống phía xa dưới kia.

“Bác sĩ, tôi là bạn của bệnh nhân giường 17 Ngô Thanh Hoa, xin hỏi…”

Bác sĩ trực đưa tay chỉ xuống: “Tôi cũng đang xem đây. Nghe nói bệnh nhân giường số 17 mất tích từ tối qua, sáng nay phát hiện thấy đã chết đuối ở hồ nước trước phòng hồi sức cấp cứu.”

Tôi bỗng thấy trời đất quay cuồng, ném món quà trên tay xuống, chạy như điên về phía phòng hồi sức cấp cứu.

Quanh hồ nước có rất nhiều bác sĩ, y tá, người nhà bệnh nhân đứng xem xét. Tiếng khóc thảm thiết lẫn giữa đám người lố nhố. Tôi tách mọi người ra, đưa giấy chứng nhận công tác cho công an đang đứng bảo vệ, rồi vén dải phân cách đi tới bên hồ.

Hồ này rất nhỏ, nước chỉ tầm 1,2 mét, không sâu nhưng cũng đủ ngập quá đỉnh đầu bé Thanh Hoa.

Bên hồ có vài người cảnh sát, đều là những người tôi quen. Thi thể đã được vớt lên, đàn anh Lý Hoa của tôi đang tiến hành khám nghiệm bên ngoài thi thể.

Bước chân tôi nặng trĩu, tôi chầm chậm tiến tới gần thi thể.

Một khuôn mặt quen thuộc, một đôi mắt to tròn thân quen, trong ánh mắt còn đọng nỗi hoảng sợ, sự bất lực vô tận.

Người chết chính là bệnh nhân đầu tiên của tôi, đứa bé khiến người ta yêu thương, đứa bé khiến trái tim người ta đau đớn – bé Thanh Hoa.

Bé Thanh Hoa nằm đó không chút sức sống, đôi mắt to đáng yêu vẫn mở… nhưng đã đánh mất tia sáng. Bố của Thanh Hoa, Ngô Kính Phong ngồi ngoài dải phân cách, âm thầm nức nở. Phó Ngọc dường như đã khóc lóc hồi lâu, có lẽ đã kiệt sức, thất thần ngồi bên cạnh Ngô Kính Phong, nước mắt còn chưa kịp khô, ánh mắt tuyệt vọng nhìn lên trời xa thẳm. Họ đều không nhận ra sự có mặt của tôi.

Khoang mũi miệng của bé Thanh Hoa đầy bọt nước, hai tay nhỏ nắm chặt toàn những rong rêu. Khám nghiệm bước đầu cho thấy nguyên nhân tử vong là chết đuối, không nghi ngờ gì nữa.

Bác sĩ Lý quay đầu nhìn thái độ kinh ngạc của tôi, hỏi: “Sao thế? Người quen à?”

Tôi ngơ ngẩn gật đầu.

“Đứa bé trông rất dễ thương, thật đáng tiếc.” Bác sĩ Lý cúi đầu tiếp tục làm việc.

“Kiểm tra kết mạc thấy có nốt xuất huyết, móng tay xanh tím, có triệu chứng ngạt thở rõ ràng.” Bác sĩ Lý vừa khám nghiệm, vừa chậm rãi nói: “Niêm mạc mũi, miệng không có tổn thương, da cổ không có vết thương, không xuất huyết.”

Đây là phương pháp khám nghiệm bên ngoài thi thể, sau khi đã xác định nguyên nhân tử vong là do ngạt thở, cần phải kiểm tra xem có bị tác động bạo lực từ bên ngoài như bịt mũi miệng hoặc bóp nghẹt cổ hay không. Sau khi làm công tác loại bỏ các trường hợp này, phải xác định nguyên nhân tử vong thêm lần nữa, kết hợp giữa phương pháp loại trừ và biện pháp nhận định để đưa ra kết luận, tránh sai sót hoặc nhầm lẫn dẫn đến kết luận sai.

“Khoang mũi miệng có bọt nước, trong tay có mẫu vật rong rêu.” Bác sĩ Lý vừa nói vừa lấy mẫu rong rêu dưới nước, “Khớp với hình thái rong rêu trong hồ.”

Một bác sĩ pháp y thực tập cùng đợt với tôi đang đứng bên cạnh ghi chép lại lời miêu tả của bác sĩ Lý.

“Khám nghiệm bước đầu, nguyên nhân tử vong rất đơn giản, là chết đuối.” Lý Hoa quay lại nói với tôi, “Là họ hàng của cậu hay là người quen?”

“Là người quen”, tôi thuận miệng đáp. Lúc này tâm trạng của tôi rất phức tạp. Không biết có phải vì còn chút luyến tiếc với bé Thanh Hoa hay không, mà tôi cảm thấy ngờ vực, thấp thỏm không yên. Một đứa bé mang bệnh nặng, lại đi mấy trăm mét đến chỗ hồ nước rồi trượt chân ngã xuống, chuyện này thật khó tin. Nó trốn khỏi sự trông nom của bác sĩ, y tá và cha mẹ bằng cách nào? Đêm hôm khuya khoắt còn đến đây làm gì?

Tôi tới chỗ vợ chồng Ngô Kính Phong đang ngồi, nhẹ giọng hỏi: “Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì?”

Ngô Kính Phong dường như đang bận lòng nghĩ ngợi gì đó, đột nhiên nghe thấy tôi hỏi liền hoảng sợ: “ A… A… Bác sĩ Tần? Tôi cũng không biết, tối hôm qua chúng tôi ra nhà vệ sinh bàn chuyện tiền nong thuốc thang, có lẽ lúc đó Thanh Hoa tự mình chạy ra ngoài. Chúng tôi tìm cả đêm, không ngờ nó… nó… U hu hu hu hu…” Nói xong Ngô Kính Phong lại bật khóc, khóc đến mức hai tay run lẩy bẩy.

Tôi an ủi họ đôi ba câu, rồi quay lại hiện trường.

Lúc này bác sĩ Lý đã cởi bỏ quần áo của bé Thanh Hoa, cần thận kiểm tra khắp cơ thể thằng bé: “Toàn thân không có vết thương trí mạng.”

Đột nhiên tôi cùng bác sĩ Lý đồng thời chú ý tới một vết sẫm màu nhỏ trên vai Thanh Hoa. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi nhận định đây là một vết xuất huyết dưới da, nói cách khác, đó là dấu hiệu bị tổn thương. Bác sĩ Lý cũng nhìn chăm chú, rồi nhỏ giọng nói: “Khả năng là có vấn đề.”

“Có chắc là xuất huyết dưới da không?” Tôi hỏi. Thật ra tôi biết, đây chắc chắn là xuất huyết dưới da, hơn nữa còn là hình thành trước khi chết không lâu.

Lý Hoa gật đầu.

“Có lẽ là tổn thương hình thành khi rơi xuống nước, bị va chạm vào đâu đó.” Tôi không muốn tin rằng có người sẽ làm đau một đứa trẻ đáng yêu lại bệnh nặng như vậy. Thằng bé được yêu thích đến thế nào chứ? Mọi người thương nó còn không hết, sao có thể làm đau nó đây? Trừ khi…

“Vị trí này nằm ở phần lõm trên vai, nếu là tổn thương hình thành do va chạm thì phải ở những chỗ nhô ra như bả vai, cổ, đầu… Không thể có chuyện chỗ nhô ra không bị thương, mà lại bị thương ở chỗ lõm vào được.” Bác sĩ Lý nói.

“Nếu là va đập vào vật cứng bất ngờ xuất hiện thì sao?” Dù tôi không muốn tin rằng có người sẽ sát hại bé Thanh Hoa, nhưng nhìn bờ hồ bằng phẳng cùng mặt nước yên ả, tôi biết khả năng này là không thể xảy ra.

“Tôi cảm thấy tình huống có khả năng lớn nhất là sau khi thằng bé rơi xuống nước, có vật cứng đè xuống vai nó, không cho nó nổi lên.” Bác sĩ Lý nghiến răng nói.

Tôi quay đầu nhìn hai vợ chồng Ngô Kính Phong. Phó Ngọc vẫn kiệt sức ngồi tựa vào chồng, mông lung nhìn lên bầu trời. Mà Ngô Kính Phong lại ngừng khóc, dường như đã nhận ra điều gì, nhìn vào phía bên trong dải cách ly. Bất chợt anh ta bắt gặp ánh mắt của tôi, vội nhìn tránh ra chỗ khác.

Cảm giác khó hiểu trong lòng tôi lại dâng lên.

Tôi lấy găng tay từ hộp dụng cụ khám nghiệm ra, bắt đầu giúp bác sĩ Lý kiểm tra hai tay của bé Thanh Hoa. Chúng tôi đểu biết rằng trong các vụ án mạng, hai tay của nạn nhân thường có lưu lại thông tin hoặc chứng cứ. Thậm chí đôi khi còn có thể trở thành chứng cứ quan trọng.

Lúc này thi thể của bé Thanh Hoa đã cứng lại, tôi tốn nhiều sức lực mới mở được hai bàn tay ra. Bỗng nhiên tôi phát hiện ra một vài hiện tượng không bình thường.

Tôi phát hiện trong lòng bàn tay phải của bé Thanh Hoa có một cái dằm. Mảnh dằm nhỏ cứng đâm sâu vào da thằng bé.

Chúng tôi dùng kẹp rút mảnh dằm ra, sau khi quan sát kỹ, chúng tôi đồng thanh: “Là dằm trúc!”

Nhưng ở hiện trường không thấy một bóng trúc, trong hồ lại càng chẳng có. Quan trọng hơn là nhìn vết thương trên bàn tay bé Thanh Hoa có thể thấy phản ứng sinh hoạt (1)không quá rõ ràng. Nói cách khác, khi dằm trúc đâm vào tay thì bé Thanh Hoa đã rơi vào tình trạng hấp hối.

“Việc này tương đối khả nghi.” Lý Hoa vừa nói vừa gọi một người cảnh sát tới, “Mang thi thể về giải phẫu, có thể là án mạng.”

“Án mạng?” Phía cảnh sát vẫn cho rằng đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn, bởi vậy rất ngạc nhiên, “Ai giết thằng bé? Chẳng lẽ là…?” Nói rồi nhìn ra phía ngoài dải cách ly nơi vợ chồng Ngô Kính Phong đang ngồi.

Bác sĩ Lý không nói gì, tôi lại chú ý tới sự thay đổi của Ngô Kính Phong. Có lẽ anh ta đã loáng thoáng nghe thấy chúng tôi trao đổi, thân thể bắt đầu run rẩy.

“Vậy bố mẹ thằng bé…” Cảnh sát hỏi.

“Cứ đưa hết về đồn đã.” Bác sĩ Lý nói.

Anh cảnh sát đáp một tiếng rồi đi ra chỗ hai vợ chồng Ngô Kính Phong. Tôi thực sự không đành lòng nhìn cảnh tang tóc này, con vừa chết, hai vợ chồng đã đau khổ đến thế còn phải lên đồn công an. Tôi quay đầu đi, không dám nhìn thêm nữa.

Đột nhiên, tôi nghe thấy Ngô Kính Phong khàn giọng kêu khóc: “Thanh Hoa, bố xin lỗi con, bố không muốn con đau đớn thêm nữa. Con đau, bố càng đau hơn!”

Tôi giật mình quay đầu nhìn lại. Thấy Ngô Kính Phong quỳ trên mặt đất gào khóc. Phó Ngọc vẫn ngồi ngẩn người, nhìn lên trời cao.

Thế này chẳng khác nào nhận tội, là Ngô Kính Phong đã giết bé Thanh Hoa. Nhìn tình trạng của Phó Ngọc, có lẽ chị ấy cũng biết hết ngọn nguồn.

Không gian bỗng lặng ngắt, trừ Ngô Kính Phong vẫn đang khóc thảm thiết, còn mọi người đều yên lặng. Những người đứng đó sợ đến ngây người, họ không thể tưởng tượng được chuyện một người cha đủ tàn nhẫn để giết chết con đẻ, thậm chí là tận mắt chứng kiến con mình từ từ chết đuối.

“Không ngờ suy đoán của chúng ta lại được xác minh nhanh như vậy.” Bác sĩ Lý vỗ vai tôi như an ủi, “Chúng tôi về nhà xác tiến hành giải phẫu, cậu có đi không? Dù muốn hay không, cậu cũng không nên đi. Tôi sợ cậu không chịu nổi, hơn nữa nếu là người quen của cậu thì theo quy định, cậu không được tham gia.”

Tôi như không nghe thấy bác sĩ Lý nói gì, đầu óc trống rỗng, những thứ không muốn thấy cứ hiển hiện trước mắt. Trong lúc nhất thời tôi choáng váng, không biết nên làm gì.

“Này, không sao chứ?” Bác sĩ Lý quan tâm hỏi.

“Không… Không sao.” Tôi phục hồi tinh thần.

Nước mắt tuôn rơi. Vì bé Thanh Hoa đáng thương. Vì đôi vợ chồng số khổ ấy.

“Anh nói gì cơ? Giải phẫu? Vẫn còn cần giải phẫu ư?”

“Đúng vậy, giải phẫu là cần thiết, xây dựng chứng cứ vững chắc. Nếu là vụ án cố ý giết người thì phải khởi tố. Khi đó cần đến chứng cứ.”

Nghe đến “cố ý giết người”, lòng tôi chấn động mạnh. Tôi thật không muốn đôi vợ chồng khổ sở ấy bước lên đoạn đầu đài.

“Nhưng bọn họ cũng vì không muốn con mình phải đau đớn nữa. Pháp luật có thể vô tình vậy sao?” Tôi nói, “Hổ dữ không ăn thịt con, anh ta cũng vì không còn cách nào khác.”

Bác sĩ Lý nhún vai, tỏ vẻ hiểu được cảm xúc của tôi, nói tiếp: “Chúng ta giải phẫu thi thể còn có mục đích khác, chính là xác minh tình trạng bệnh tật của thằng bé lúc còn sống. Nếu là bệnh nan y, hơn nữa là bệnh nặng rất đau đớn, tôi tin rằng nếu chúng ta viết rõ bệnh trạng vào biên bản giảm định, thì sẽ giảm bớt chứng cứ buộc tội hữu hiệu cho vợ chồng họ.”

Bác sĩ Lý nói rất đúng, chức trách của bác sĩ pháp y cũng bao gồm xác định mức độ phạm tội của tội phạm. Nghe bác sĩ pháp y nói xong, trong lòng tôi an bình hơn nhiều.

Nếu không thể tham dự quá trình giải phẫu, tôi liền xin được cùng đưa vợ chồng Ngô Kính Phong về đồn công an. Có bác sĩ pháp y tham dự thẩm vấn cũng không phải chuyện xấu. Vụ án nhanh chóng được chuyển cho đội hình sự. Tôi được vào phòng thẩm vấn cùng các thành viên đội hình sự.

Trong phòng thẩm vấn, Ngô Kính Phong thú nhận tội ác của mình không hề e dè: “Cũng vì chúng tôi không thể duy trì được nữa. Mỗi lần thấy Thanh Hoa đau đầu, nôn mửa, rồi thấy đôi mắt con càng ngày càng hỏng nặng, nhìn con đói đến ngất đi nhưng cứ ăn lại nôn, lòng tôi đau như đứt từng khúc ruột. Bác sĩ nói đã không còn hi vọng sống nữa, vậy tại sao còn bắt thằng bé chịu nhiều đau đớn vậy? Mỗi ngày đều thấy cái chết treo trên đầu, khi nó không thể ăn được, còn phải dẫn ống vào dạ dày. Nhìn con đau như thế, tôi không đành lòng. Hôm qua tôi cùng vợ bàn tính xong, quay lại phòng bệnh thấy Thanh Hoa đang chơi, chúng tôi bèn dẫn con đi ăn KFC. Thằng bé thích ăn KFC nhất, trước khi ra đi, tôi vẫn muốn cho con ăn thứ nó thích nhất. Ở trước tiệm KFC có một chiếc gậy trúc, tôi tiện tay mang theo. Vốn định dùng gậy đánh chết nó, nhưng tôi không làm được. Sau đó thằng bé đến chơi bên hồ nước, tôi liền đẩy nó xuống, không ngờ nó còn nổi lên, còn gọi ‘Bố ơi! Bố ơi!’, chắc nó nghĩ tôi đang đùa với nó thôi. Tôi lúc đó quyết tâm dùng gậy nhấn Thanh Hoa xuống, nó nắm lấy cây gậy. Giãy dụa… giãy dụa… Cứ như vậy từ từ bất động, trong mắt toàn là sợ hãi và khó hiểu. Nó không biết tại sao bố thân yêu lại muốn nó chết. Tôi mãi mãi không thể quên được ánh mắt của con, mãi mãi không thể nào quên được…”

Ngô Kính Phong vừa thấp giọng kể rõ vụ án vừa nghẹn ngào, nước mắt thấm đẫm vạt áo. Tôi và cảnh sát hình sự trong phòng không khỏi đau lòng.

Khi tôi ra khỏi văn phòng đội hình sự đã thấy nhân viên khám nghiệm mang gậy trúc tang vật trở về. Xem ra vụ án này đã chắc như đinh đóng cột.

Sau khi phá án, trong lòng tôi không hề thoải mái. Tất cả chỉ toàn những muộn phiền và đau thương, vì đôi vợ chồng khốn khổ ấy, vì tôi không rõ tội giết người này là đúng hay sai.

Tôi biết, vợ chồng Ngô Kính Phong sẽ không bị phán tội nặng. Nhưng tôi không biết trái tim họ liệu đã tàn lụi hay chưa? Chỉ mong sau khi họ chịu trách nhiệm trước pháp luật xong, quãng đời còn lại có thể bước qua những tháng ngày đau buồn mà tiếp tục sống tốt.


(1)Chỉ khi còn sống thì cơ thể con người mới có một số phản ứng như chảy máu, ứ máu, nuốt, tắc mạch máu… Từ đó người ta có thể xác định vết thương hình thành từ khi còn sống hay sau khi chết mới có. Phản ứng này được gọi là phản ứng sinh hoạt.

Nhận xét

Top Truyện Hot

Pháp y Tần Minh hệ liệt

Pháp y Tần Minh hệ liệt Tác Giả:   Tần Minh Thể Loại: Truyện Ma Dài 👀Tình Trạng:  Đã Hoàn Thành   Đọc Truyện Giới thiệu truyện : Pháp y Tần Minh hệ liệt gồm 5 quyển: + Quyển 1: Người giải mã tử thi + Quyển 2: Lời khai câm lặng + Quyển 3: Ngón tay thứ mười một + Quyển 4: Kẻ dọn rác + Quyển 5: Người sống sót Tác giả: Bác sĩ pháp y Tần Minh 20 hiện trường vụ án khiêu chiến với tâm lý của con người. Đó là chính là 20 hồ sơ chưa từng được giới cơ quan công bố bởi sự tàn nhẫn, biến thái, kinh sợ...mà nó diễn đạt. Người giải phẫu tử thi sẽ thay lời vong linh nói lên sự thật, họ chính là những còn người sớm tối ở tiếp xúc với xác chết. Chín túi đựng tử thi, bàng quang có những mảnh đá vụt, hai chiếc xe chạy qua, đâu mới chính là kẻ thủ ác? Một người phụ nữ bị chặt rời bộ phận, tất cả đều được biến thành nến sáp, ai là hung thủ đã gây nên? Sự thật về cái chết của cô là như thế nào? Chiếc điện thoại bị vỡ thành hai mảnh, trong micro

Đừng để tôi phải giết anh

Truyện Ma 12H  - Xin đừng dù chỉ một lần yêu một ai đó trong sự hời hợt, không thật lòng, lợi dụng, giả dối. Xin đừng dù chỉ một lần làm tan vỡ trái tim những cô gái. Hãy tự chủ trong tình yêu dù lúc đó bạn có yêu người đó nhiều đến mức nào, tình yêu làm tan chảy mọi trái tim phụ nữ nhưng đừng để nó điều khiển, kiểm soát hay phá nát cuộc đời bạn. Bởi đơn giản, nó không đáng. Hãy để cuộc đời điều khiển luật nhân quả và có những thứ ắt sẽ phải trả giá. Tôi hộc tốc phóng xe về nhà, tôi không biết mình đi đâu nhưng tôi đang chạy. Tôi run... và sợ. Đôi tai ong ong, không nghe thấy gì, cảm giác như ai đó rượt đuổi theo mình. Khẽ khàng mỡ cửa, khẽ khàng dắt xe vào nhà.

Ma xô xe ở đèo Hải Vân

Truyện Ma 12H   -  Hé mắt nhìn ra phía trước bức tượng thì trời đất quỷ thần ơi, đập vào mắt bác 1 cảnh tượng rùng rợn đến sởn cả tóc gáy... Nói đến Đèo Hải Vân – Thiên Hạ Đệ Nhát Hùng Quan thì có lẽ ai cũng biết . Đây là con đèo thuộc dãy Trường Sơn ở miền Trung, là ranh giới tự nhiên giữa Huế và thành phố Đà Nẵng.

Bao hẩu quỷ

Truyện Ma 12H  - Giờ thì cô đã lõa thể, và khuôn mặt hơi chuyển sang mờ mịt. Nhạn chợt thò tay bóc ở cổ ném ra một tấm da, để lộ ra trên hốc cổ của mình một cái bọc phập phồng như con ễnh ương... Trong cõi nhân gian người ta thường tương truyền có lắm giống loài ma quỷ lạ. Trong những giống loài ấy, có đôi khi cũng chưa được nhắc tên đến bao giờ nhưng khi được miêu tả lại, vẫn khiến người ta phải kinh sợ.

Kilomet số 13

Truyện Ma 12H   -   Ở trên đời này, gieo nhân nào thì gặt qủa ấy. Hãy nhớ luật nhân quả báo ứng không trừ một ai... Tài lái chiếc Mecxedes bóng loáng, lao vun vút qua cây cầu dài bắt ngang qua con sông Hàn đến công ty làm. Vừa lái xe gã vừa huýt sáo theo nhịp của bài hát, mà cái Radio trên xe đang phát.

Hồng lạp dạ gọi hồn

Truyện Ma 12H  - Vợ hắn từ phòng bên nghe tiếng la vội chạy sang, và chỉ kịp nhìn thấy chồng gục xuống bàn. Lửa từ cây nến tàn đã bén sang tấm trải bàn, cháy lan sang các vật dụng khác... I. Đồn trưởng Lưu Mạnh tưởng như vậy là chiến thắng. Người ta đồn ầm lên về chuyện một hoa khôi mới vừa xuất hiện ở kỹ viện Hồng Nhan. Một người rành chuyện đã tô vẽ thêm: - Cô nàng này vốn là con nhà giàu, do gia cảnh bị sa cơ thất thế nên mới đem thân ngà ngọc bán vào chốn nhơ nhớp!

Hình nhân

Truyện Ma 12H  -  Trong gương, đứng sau lưng Mai là một nữ nhân với khuôn mặt tái nhợt, da dẻ mục rữa, đầu trọc lốc chỉ còn lún phún vài cọng tóc, đang há hốc chiếc miệng đèn ngòm rộng toác, hai hốc mắt sâu hun hút không ngừng tuôn ra từng giọt máu đen... Ánh nắng vàng rực xuyên qua từng kẽ lá, tạo thành những vệt dài đâm thẳng xuống mặt đất, làm nổi lên những hình sáng nguệch ngoạc đến quái dị. Lê từng bước nặng nhọc tới trước cửa sổ có những song sắt đã hoen rỉ, Quang Bảo đưa mắt về phía khu vườn sau nhà. Cậu thẫn thờ dõi theo từng chuyển động của vài chiếc lá đã khô héo, chỉ chực lìa khỏi cành. Đã cuối hạ, Sài Gòn vẫn oi bức, đến những cơn gió hiếm hoi thỉnh thoảng ùa qua cũng mang theo sự ngột ngạt đến khó thở.

Bóng ma trên tầng cao

Truyện Ma 12H  -  Ban đêm, gió lay động màn cây in bóng cành lá lên tường nhà. Những chiếc đèn pha ô tô đôi khi hắt mạnh ánh sáng vào những gian phòng rộng và đồ đạc cũ trong nhà như xuất hiện từ bóng tối, có những hình thù lạ và dễ sợ... Một ngôi nhà xanh hai tầng, một gác xép, một khu vườn, một nhà xe và rặng cây ngăn cách nhà hàng xóm. Người ta gọi là ngôi nhà xanh vì những cánh cửa sơn xanh.

Người tình và sợi dây thòng lòng

Truyện Ma 12H  -  Trong phòng, xác Trúc Quỳnh treo lơ lửng giữa trần nhà. An là người nhào vô trước, anh chụp lấy chân nàng đỡ lên. Nhưng lúc ấy anh đã cảm nhận được rằng mình tới đã quá trễ. Trúc Quỳnh đã chết!... Liễu Huệ đứng lấp ló mãi mà vẫn chưa dám gọi trong khi lòng dạ cô nóng ran, không thể chờ được nữa. Bên trong, anh chàng Thanh An đang say sưa giảng bài các học sinh đang chăm chú lắng nghe... Chính điều đó đã khiến cho Huệ không dám lên tiếng.

Con ma nhà xác

Truyện Ma 12H  -  Đồng hồ vừa gõ năm tiếng cũng là lúc Tư Lân chìm sâu vào giấc ngủ. Và cũng là lúc ông ta cảm giác như có ai đó đè lên người mình, suýt nghẹt thở... Tư Lân chỉ ú ớ rồi thôi... Dựng xong chiếc xe đạp cà tàng của mình vào một góc, Tư Lân lên tiếng ngay với người đồng nghiệp đang chờ để thay ca trực: - Xin lỗi có hơi trễ, kẹt xe quá trời anh Năm! Năm Sang, người trực ca ban ngày cười giả lả: - Đâu có sao, bù qua sớt lại mà, sáng mai tôi lại phải nhờ trực lố khoảng nửa tiếng. Bà xã ở nhà bị bệnh. Ông ta đứng lên gom đồ đạc chuẩn bị về. Trước khi đi, Năm Sang mở sổ ra và dặn: - Hôm nay có bốn xác mới nhập. Hai nam, hai nữ. Tất cả đều tử nạn giao thông.